Quốc hội xem xét xóa bỏ thanh tra sở, huyện

Ngày 8/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Thanh tra (sửa đổi) với đề xuất tái cấu trúc toàn diện hệ thống thanh tra theo hướng tinh gọn, bỏ cấp thanh tra chuyên ngành và cấp huyện.

Cắt 40% thủ tục hành chính

Dự thảo luật lần này lược bỏ hoàn toàn quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra tại Bộ, Tổng cục, Cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở và cấp huyện. Như vậy, các đơn vị thanh tra chuyên ngành đang được tổ chức ở hầu hết các bộ, ngành và địa phương sẽ không còn tồn tại trong hệ thống thanh tra. Việc sắp xếp này phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo chức năng giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát, đồng thời thống nhất mô hình tổ chức, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra. Các hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ được giữ lại, nhưng tách khỏi chức năng thanh tra.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Sau khi cơ cấu lại, hệ thống thanh tra sẽ gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan thanh tra trong Quân đội, Công an, Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Cơ yếu; và cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Chính phủ, việc lược bỏ 54 điều trong Luật Thanh tra năm 2022 sẽ giúp cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật.

Luật hóa chất sửa đổi có nhiều thay đổi phù hợp thực tiễn

Cũng tại buổi họp sáng 8/5, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) mới nhất đã giảm 39 điều, còn 50 điều; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết 25 điều, khoản về hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính nhằm bảo đảm thẩm quyền của Chính phủ và linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Về thủ tục hành chính, so với Luật Hóa chất năm 2007, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã bãi bỏ 9 nhóm thủ tục hành chính. Đồng thời, các thủ tục hành chính được xây dựng theo hướng áp dụng tối đa công nghệ thông tin để có thể triển khai trên môi trường điện tử. Điều này giúp giảm tối đa thời gian, chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương đối với các hoạt động: cấp Giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất; Thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo phân cấp của Chính phủ và một số hoạt động khác.

Cũng trong sáng 8/5, Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quoc-hoi-xem-xet-xoa-bo-thanh-tra-so-huyen-327963.htm