Gắn kết di sản văn hóa với danh lam thắng cảnh
Đồng Nai là nơi có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có thể kết nối tạo thành những tour hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kết nối các di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn rời rạc nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, trên địa bàn tỉnh có 26 di tích lịch sử, 23 di tích khảo cổ, kiến trúc và nghệ thuật. Trong đó, 29/49 di tích được công nhận là di sản quốc gia. Nhiều di sản tạo ấn tượng với du khách là Văn miếu Trấn Biên, chùa Đại Giác, đình thần Tân Lân (TP.Biên Hòa); Mộ cổ Hàng Gòn (TP.Long Khánh); Đá ba chồng (huyện Định Quán)...
* Gắn kết các di sản
Một số chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa, du lịch cho rằng, nếu Đồng Nai gắn kết được các di sản văn hóa với các danh lam thắng cảnh tạo thành tour sẽ rất hấp dẫn du khách. Đồng thời, việc gắn kết trên sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, mang dấu ấn riêng của Đồng Nai.
PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội góp ý: “Đồng Nai nên xây dựng bản đồ di sản để liên kết và hệ thống hóa các di sản đơn lẻ thành một hệ thống tổng thể. Sau đó, tiến hành các mô hình thử nghiệm các hệ sinh thái di sản văn hóa dựa trên cộng đồng kết hợp với khu vực xung quanh tạo thành Phố nghệ thuật, Khu ẩm thực truyền thống. Tỉnh nên tổ chức Diễn đàn kinh tế du lịch thường niên để quảng bá, giới thiệu về du lịch Đồng Nai”.
Gắn kết được các di sản, Đồng Nai có thể tạo ra các sản phẩm du lịch là Du lịch văn hóa, Du lịch di sản, Du lịch lịch sử... Bên cạnh đó, tỉnh kết nối tạo thành các tour đan xen giữa di sản, di tích với các khu du lịch để có nhiều sản phẩm cho khách lựa chọn.
GS.Badaruddin Mohamed ở Đại học Sains Malaysia đánh giá, các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa là những nét riêng độc đáo nhất thu hút khách du lịch. Vì thế, những điểm đến là di tích cổ xưa và giàu văn hóa thường thu hút du khách nhiều hơn so với các công trình hiện đại. “Đồng Nai có nhiều di sản về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, danh thắng đặc sắc có thể gắn kết phát triển du lịch rất hấp dẫn du khách. Tại Malaysia, việc kết nối các di sản với các khu du lịch đã tạo thành những tour thu hút rất đông khách quốc tế và du lịch trở thành ngành quan trọng thứ hai trong nền kinh tế, mỗi năm thu hút 32 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu 60 tỷ ringgit (khoảng 14,68 tỷ USD)” - GS.Badaruddin Mohamed nói.
* Làm thương hiệu cho du lịch
Du lịch là loại hình hoạt động tự nguyện và du khách chọn điểm đến dựa vào một số điểm như: đến phải khác biệt so với nơi họ đang sinh sống, có những nét độc đáo riêng, các dịch vụ đi kèm phải thuận lợi. Để du lịch Đồng Nai phát triển bền vững thì xây dựng thương hiệu là điều rất cần thiết. Trong đó xem nền văn hóa đa dạng đặc sắc, những di sản là điểm thu hút nổi bật nhất tạo nên điểm đến thương hiệu, kết hợp cả những danh thắng tự nhiên và công trình nhân tạo.
Trong xây dựng thương hiệu cho du lịch Đồng Nai thì mạng xã hội, kênh truyền thông và người dân địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng dịch vụ, trải nghiệm cho du khách, sự niềm nở, thân thiện để họ cảm thấy vui vẻ, hài lòng và sẵn sàng quay trở lại.
Ông Phạm Châu An, Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú) cho hay: “Từ khi đi vào khai thác, Công viên Suối Mơ luôn chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho khu du lịch để trở thành nơi vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Du khách đến đây sẽ được tận hưởng không gian xanh với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và thưởng thức các đặc sản của địa phương”. Công viên Suối Mơ hiện trở thành khu du lịch có lượng khách đông thứ hai trên địa bàn tỉnh với 500 ngàn lượt khách/năm”.
Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu cho du lịch Đồng Nai cần gắn kết được các di sản với danh thắng, phối hợp đồng bộ giữa bảo tồn di tích và chiến lược phát triển của địa phương, đầu tư hạ tầng tạo thuận lợi cho du khách. Từng bước xây dựng hình ảnh của Đồng Nai dưới góc nhìn của khách du lịch là an toàn, thân thiện, tiện lợi.