Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực

Để tìm được việc làm với thu nhập ổn định, nhiều người trong giới trẻ hiện nay đã không theo đuổi giấc mơ vào đại học mà chuyển hướng lựa chọn học những ngành nghề xã hội đang cần, từ đó sớm khẳng định tay nghề vững, tìm được chỗ đứng trong xã hội. Trước nhu cầu học nghề ngày càng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, trở thành những 'lò luyện' thợ lành nghề, thợ bậc cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Giờ thực hành của thầy và trò lớp Kỹ thuật lạnh K37C, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Giờ thực hành của thầy và trò lớp Kỹ thuật lạnh K37C, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Đào tạo theo nhu cầu

Sinh ra trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em ở xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, ngay khi tốt nghiệp THCS, Tạ Kim Hoàn (sinh năm 1994) quyết định không tiếp tục học lên THPT mà muốn đi làm có thu nhập phụ giúp bố mẹ. Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp THCS, không có kỹ năng nghề, chưa từng trải khiến Hoàn chật vật khi tìm việc làm. Anh tự nhủ nhất định phải học một nghề nào đó để sau này có thể sống bằng nghề.

Những ngày đầu gắn bó với lớp K4-Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì, Hoàn cũng thấy e ngại với bạn bè vì nhiều người cho rằng đó là quyết định bồng bột, chỉ học kém mới vào trường nghề. Tuy nhiên, sau ba năm học miệt mài, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, Hoàn có nhiều cơ hội lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp cho riêng mình.

Thời gian đầu, anh xin vào làm tại Trung tâm Điện máy Xanh, về sau có kinh nghiệm và lưng vốn, anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh rồi thành lập Trung tâm Điện tử điện lạnh Mai Hoàng, đến nay phát triển thành Công ty TNHH điện máy Mai Hoàng.

Chia sẻ về những thành công trên con đường lập nghiệp, anh Hoàn cười vui: “Qua thời gian, tôi thấy việc lựa chọn học nghề của mình thật đúng đắn vì sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp tôi tìm được việc làm đúng ngành học với thu nhập cao. Hiện, tôi sở hữu Trung tâm sửa chữa, bảo hành, phân phối sản phẩm và dịch vụ điện lạnh điện máy tại huyện với hàng chục công nhân hỗ trợ. Các sản phẩm của Công ty cùng dịch vụ bảo hành, sửa chữa uy tín tạo niềm tin cho người dân. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng”.

Xác định rõ những ngành nghề xã hội đang cần, những năm qua, Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì đã tập trung đào tạo các nghề: Điện tử, Điện lạnh, Công nghệ thông tin... đáp ứng nhu cầu người học. Nhờ mối liên kết gắn bó giữa Nhà trường với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu thực tế trải nghiệm, thực tập, giúp các em hoàn thiện kỹ năng sống, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, sớm thích nghi với môi trường làm việc sau khi ra trường. Trên 90% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định. Nhiều học sinh khá sau khi thực tập đạt kết quả tốt đã được doanh nghiệp giữ lại làm việc với mức thu nhập cao.

Cùng với việc nâng cao chất lượng “đầu ra” cho học sinh, sinh viên, liên kết đào tạo cũng là một trong những giải pháp được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tìm kiếm việc làm.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Toàn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ cho biết: “Đã cam kết với học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm thì không thể chỉ là lời hứa suông, mà đòi hỏi phải nói thật, làm thật, tức là người học phải tìm được thứ mình cần. Đó là cơ hội việc làm và mức đãi ngộ tương xứng sau khi tốt nghiệp. Trường giao trách nhiệm cho từng khoa và có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc cụ thể”.

Với quy mô đào tạo trung bình hàng năm từ 1.200-1.300 học sinh, sinh viên, Trường thường xuyên ký hợp đồng với khoảng 50 doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết “đầu ra”. Nhờ đó, trong quá trình đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, Nhà trường nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt để học sinh, sinh viên Nhà trường lựa chọn cho mình vị trí việc làm phù hợp.

Công ty CP Gemmy Wood ở Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì giải quyết việc làm cho 150 lao động với thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Gemmy Wood ở Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì giải quyết việc làm cho 150 lao động với thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Mở ra cơ hội việc làm

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 16.000 lao động được tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động từ 2.500-2.700 người, cung ứng hàng nghìn lao động cho doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Qua khảo sát, nắm tình hình trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 7.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, may mặc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển dụng bổ sung từ 10.000-12.000 lao động phổ thông.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm sàn gỗ, gỗ nội, ngoại thất cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Gemmy Wood ở Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì hiện có gần 150 công nhân lao động.

Đồng chí Hà Đăng Quyền - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Lượng công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở GDNN đào tạo đa dạng ngành nghề với chất lượng ngày càng được nâng cao, nên trong số 150 công nhân cần tuyển dụng thêm hiện nay để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi quan tâm ưu tiên những lao động đã qua đào tạo nghề, có chứng chỉ nghề”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở GDNN, trong đó có 8 trường cao đẳng, trung cấp do cơ quan Trung ương quản lý đào tạo 7 ngành nghề trọng điểm quốc tế, 4 ngành nghề trọng điểm khu vực ASEAN và 14 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia.

Ngành nghề đào tạo đa dạng thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ với trên 200 mã ngành nghề được cấp phép đào tạo ở cả 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Quy mô đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Các trường đã chuyển từ đào tạo theo kế hoạch sang đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao.

Các cơ sở GDNN hệ cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đều triển khai liên kết phối hợp đào tạo đối với các Trung tâm GDNN-GDTX và các cơ sở GDNN khác ngoài tỉnh; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Một số trường thực hiện tốt công tác liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề như: Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, Cao đẳng Y dược...

Các trường đã mời doanh nghiệp tham gia vào xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức thực hành, thực tập cho người học, tư vấn, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Riêng Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ đã tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng đối với một số ngành, nghề. Kết quả, trên 90% học sinh, sinh viên ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc hoặc tự tạo việc làm.

Để có được kết quả đó, thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH luôn chú trọng việc tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Đây được coi là giải pháp quan trọng để đào tạo những thợ lành nghề, bậc cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn. Đến nay, các cơ sở hoạt động GDNN đã chủ động hợp tác, đặt hàng với gần 200 doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm.

Đa phần học sinh, sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay của toàn tỉnh đạt 71,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30,5%.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc thu hút người học đã khó, để giữ chân, tạo dựng uy tín với người học lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các cơ sở GDNN phải đổi mới về chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học và đặc biệt là phải có sự tham gia hỗ trợ đào tạo của doanh nghiệp - đích đến của người học.

Nhờ đổi mới trong đào tạo, giải quyết “đầu ra” của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của việc học nghề hiện nay. Từ đó, góp phần đào tạo lao động có tay nghề, kỹ năng dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách, tìm được chỗ đứng vững chắc trong thị trường lao động ngày càng đòi hỏi khắt khe hiện nay.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gan-ket-giao-duc-nghe-nghiep-voi-phat-trien-nguon-nhan-luc-216266.htm