Gắn kết người trẻ với di sản cha ông
Sáng 27/12, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tọa đàm 'Di sản với giới trẻ'.
Xuyên suốt buổi tọa đàm, các khách mời tham dự là các chuyên gia trong các lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, truyền thông cùng trao đổi, bày tỏ quan điểm, góc nhìn rộng rãi về tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu thế giới nói riêng.
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng hiện nay tài liệu lưu trữ rất nhiều, song cần có cách tiếp cận, truyền đạt, thuyết phục để giới trẻ hiểu, từ đó tìm về văn hóa cội nguồn. Đây sẽ là một trong những phương thức quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản hữu hiệu. Bởi trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến từ sinh viên các trường đại học, học viện, nhà nghiên cứu về cách ứng xử với di sản, như sưu tầm, lưu trữ, truyền đạt tài liệu của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị phục vụ cho việc học tập, công tác...
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Tài liệu lưu trữ, trong đó có di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng mong muốn được tiếp cận. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Những người làm công tác lưu trữ phải tự hào và vinh hạnh được giao sứ mệnh gìn giữ, phát huy đưa các tài liệu đó đến với công chúng.
Chia sẻ về các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được tổ chức với những cách thức sôi nổi và đạt được nhiều hiệu ứng tích cực, bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thu hút người xem như triển lãm trưng bày kết hợp hình thức kể các câu chuyện để tránh sự khô khan; tổ chức tour đêm Văn Miếu... Đặc biệt chúng tôi có áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, không diễn giải lịch sử theo cách truyền thống mà trình chiếu các nội dung về lịch sử theo cách hiện đại. Qua đó, dần dần tiếp cận được sự quan tâm của các bạn trẻ".
Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trong tương lai không xa, trung tâm sẽ là một điểm đến văn hóa và những câu chuyện xung quanh tài liệu lưu trữ sẽ rất hấp dẫn, đầy đủ, chính xác. Để xây dựng được tương lai đó phụ thuộc nhiều vào giới trẻ nhưng cũng rất cần sự trải nghiệm của những người có tuổi, càng nhiều người thì sức lan tỏa càng lớn.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gan-ket-nguoi-tre-voi-di-san-cha-ong-post562563.antd