Gắn kết, phát huy các giá trị văn hóa vùng đất văn hiến Hưng Yên
Hưng Yên vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Nơi đây, hiện lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc.
Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh luôn chú trọng xây dựng con người văn hóa, đây được xem là nhân tố cốt lõi góp phần xây dựng Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa
Chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng con người văn hóa luôn được tỉnh Hưng Yên quan tâm, thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình về phát triển văn hóa. Điển hình là Nghị quyết số 13- NQ/TU ngày 08/10/2021 về "Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 08/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030"...
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Việt cho biết, Chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng con người văn hóa được tỉnh quan tâm, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng; việc xây dựng gia đình, thôn, khu phố, cơ quan đơn vị văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa trong nhân dân. Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng, đến nay, hầu hết các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy.
Cùng với đó, các giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người hoạn nạn, giảm nghèo bền vững, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, góp phần phát triển văn hóa - xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Theo ông Trần Quốc Việt, sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh có cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hâu, mạng lưới giáo dục không đồng bộ, công tác y tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao còn hạn chế, đến nay, cơ cấu kinh tế Hưng Yên chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm chú trọng. Hưng Yên là tỉnh thứ ba trên cả nước về đích xây dựng nông thôn mới...
Huyện Khoái Châu là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bà Lê Thị Ngọc Luyến, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở, vật chất cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 19/25 xã, thị trấn và 96/110 thôn có nhà văn hóa; 8/25 xã, thị trấn có ao bơi, bể bơi; 24/25 xã có sân tập thể thao và 17/25 xã có khu vui chơi giải trí công cộng cho trẻ em.
Bên cạnh đó, 100% xã, thị trấn có điểm bưu điện, mạng Internet bao phủ đến tất cả các thôn, xóm, khu dân cư. Huyện cũng thành lập được 110 tủ sách tại các làng; nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ được hình thành tại các xã, thị trấn. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã góp phần trong việc bảo tồn, quảng bá, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của huyện.
Xây dựng con người văn hóa - nhân tố cốt lõi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng khẳng định, các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thiết chế văn hóa từng bước được đồng bộ. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đặc biệt, những đức tính trung thực, thẳng thắn, hiếu học, sáng tạo, cần cù, tiết kiệm, thủy chung, gắn kết cộng đồng của con người Hưng Yên được kết thừa và phát triển. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được ngang hàng với kinh tế - chính trị. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh; việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách và hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hóa còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển; nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp. Việc xác định, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa vào phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa và thực tiễn các mục tiêu kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với xây dựng văn hóa, trong đó xác định xây dựng con người văn hóa là nhân tố cốt lõi.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giá trị truyền thống tốt đẹp; quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hưng Yên quan tâm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Hưng Yên tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, hiệu quả Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về văn phát triển văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh mạnh mẽ đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.