Gắn kết tình quân dân
Năm 2023, các đơn vị quân đội đóng quân tại địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục xung kích về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương trong giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới...
Xung kích giúp dân
Sau khi khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại Cụm dân cư Suối Khôn (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) vào cuối tháng 4-2023, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Ia Lốp triển khai mô hình “Lớp xóa mù chữ” tại đây.
Lớp học có 15 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau. “Sau 4 tháng triển khai, người học đã đọc, viết, nói, nghe hiểu ở mức độ căn bản và thực hiện các phép cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Quá trình giảng dạy, cán bộ sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động và lấy ví dụ minh họa từ chính cuộc sống hàng ngày để người học dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời lồng ghép tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người học. Hiện đơn vị đang duy trì lớp đợt 2 với 15 học viên”-Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin.
Cùng với “Lớp xóa mù chữ”, các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang duy trì, triển khai hiệu quả nhiều mô hình công tác dân vận, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh trên khu vực biên giới.
Đơn cử, từ năm 2016 đến nay, cán bộ, chiến sĩ đã tự nguyện đóng góp hơn 2 tỷ đồng thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” nhận đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; gần 1 tỷ đồng duy trì “Bếp ăn tình thương” và nhận nuôi 11 “Con nuôi Đồn Biên phòng” với số tiền hỗ trợ gần 900 triệu đồng từ năm 2019 đến nay... Đặc biệt, 7 cán bộ Biên phòng tăng cường các xã biên giới, 48 đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng và 194 đảng viên phụ trách hộ gia đình tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, từng bước xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc trên khu vực biên giới.
Mỗi năm 2 đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 (Quân khu V) đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ nhân dân.
Thượng tá Đoàn Đức Khánh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2 thông tin: Trong năm, đơn vị đã tham gia hơn 9.000 ngày công cùng địa phương sửa chữa đường liên thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, di dời, sửa chữa nhà ở, san lấp mặt bằng và đổ bê tông sân nhà sinh hoạt cộng đồng; phối hợp với các địa phương được phân công làm công tác dân vận khảo sát, nhận giúp đỡ 13 hộ nghèo. Bằng việc giúp cây, con giống, ngày công, khoa học kỹ thuật, đến nay đã giúp 8 hộ thoát nghèo...
Các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 tham gia hàng ngàn ngày công giúp các thôn, làng dọn vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp; hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cầu, đường, công trình nước sạch.
Đại tá Lưu Văn Đoàn-Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15 cho biết: Đơn vị tạo điều kiện cho người dân mượn hàng ngàn ha đất cao su tái canh để trồng trọt, phát triển kinh tế; hỗ trợ gần 600 con bò giống sinh sản cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 20 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà nghĩa tình hội viên”... Trong năm, đơn vị tổ chức 17 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho gần 1.500 cán bộ, nhân viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; nhận nuôi và hỗ trợ 180 cháu theo Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” với số tiền trên 1,7 tỷ đồng; duy trì hoạt động kết nghĩa, mô hình “Gắn kết hộ”.
Thống kê năm 2023, 17 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp với 74 xã triển khai có hiệu quả các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, các đơn vị đã giúp dân 83.081 ngày công lao động; nâng cấp, sửa chữa 206,7 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét 149 km kênh mương; giúp dân sửa chữa 99 nhà ở, xây dựng 1 nhà sinh hoạt cộng đồng; di dời 183 nhà dân khỏi vùng sạt lở; xây dựng, bàn giao 56 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà 100 đồng”, “Mái ấm biên cương”; hỗ trợ hơn 600 con giống cùng vốn, vật tư sản xuất với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng...
Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận
Trên cơ sở kết quả đã làm được, mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác dân vận của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, đại diện các đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận thời gian tới.
Ông Siu Thil-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ khẳng định: “Với nhiều hình thức như kết nghĩa, hành quân dã ngoại, phân công cán bộ phụ trách hộ, đảng viên Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng,... các đơn vị đã ghi dấu ấn với nhiều công trình, phần việc dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương”. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ, để công tác dân vận của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tiếp tục đi vào chiều sâu, ngay từ đầu năm, các đơn vị được phân công phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với địa phương rà soát các phần việc, xây dựng kế hoạch, thống nhất thời gian thực hiện.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mang Yang Nguyễn Văn Tha đề xuất: Huyện có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, trong các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, ngoài tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề nghị các đơn vị quan tâm đến vận động, hướng dẫn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nếu được, giữa đơn vị và địa phương nên tổ chức kết nghĩa để công tác phối hợp thêm nhịp nhàng, hiệu quả.
Đại tá Ksơr Lành-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất việc các đơn vị có thể huy động thêm các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Và nên ghi dấu ấn bằng những mô hình, công trình dân vận cụ thể. “Trong công tác tuyên truyền, vận động có thể xây dựng mô hình tư vấn hỗ trợ pháp lý cho nhân dân. Tương tự, trong công tác giảm nghèo hay xây dựng nông thôn mới, có thể lựa chọn các mô hình vừa phát huy thế mạnh của đơn vị, vừa phù hợp với tình hình thực tế địa phương”-Đại tá Ksơr Lành nêu.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, các đơn vị thống nhất trong năm 2024 tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong các đơn vị; gắn hoạt động công tác dân vận với việc thực hiện các phong trào: “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các phong trào, cuộc vận động khác trên địa bàn đóng quân. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ, đội công tác dân vận, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có trình độ, năng lực và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng; tăng cường nắm tình hình địa bàn, sớm phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương nghiên cứu, lựa chọn một số việc mà nhân dân đang có nhu cầu cấp thiết để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận một cách cụ thể, thiết thực...
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gan-ket-tinh-quan-dan-post260353.html