Gắn mác ngoại để đỏ đen nghìn tỉ

Dưới mác trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, các đối tượng đã tổ chức đánh bạc trá hình với số tiền hàng nghìn tỉ đồng. Vụ án xảy ra tại King Club khiến dư luận rúng động, nhất là khi có sự tham gia của nhiều quan chức, doanh nhân, ca sĩ, bác sĩ, luật sư, công chức… cho thấy lỗ hổng trong quản lý loại hình kinh doanh này.

Vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc quy mô lớn

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 141 bị can liên quan đến vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều - chi nhánh Hà Nội (King Club) ở Khách sạn Pullman Hà Nội. Cơ quan tố tụng xác định, Kim In Sung (sinh năm 1958, quốc tịch Hàn Quốc) là người giữ vai trò lớn nhất và cùng 5 bị can khác phạm vào tội "Tổ chức đánh bạc".

Theo đó, ngày 22/6/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt quả tang tại tầng 1, Khách sạn Pullman, Công ty Dịch vụ đầu tư và giải trí Việt Hải Đăng (Công ty Việt Hải Đăng) có 14 đối tượng đang đánh bạc và tổ chức đánh bạc trái phép bằng hình thức chơi trò chơi điện tử có thưởng.

Lực lượng chức năng đột kích King Club

Lực lượng chức năng đột kích King Club

Quá trình điều tra cho thấy, Công ty Việt Hải Đăng có chức năng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng chỉ dành cho người nước ngoài. Doanh nghiệp này có 4 chi nhánh, trong đó có King Club. Năm 2019, Công ty Việt Hải Đăng ký hợp đồng, cho Công ty HS của Kim In Sung được điều hành hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại King Club trong Khách sạn Pullman tại phố Cát Linh (Hà Nội).

Đổi lại, Công ty HS phải trả cho King Club chi phí để được quyền kinh doanh. Cụ thể trong 3 tháng đầu là 60.000 USD/tháng; từ tháng thứ 4 đến hết năm thứ 2 là 80.000 USD/tháng; từ năm thứ 3 là 95.000 USD/tháng; năm thứ 4 là 100.000 USD/tháng và năm thứ 5 là 110.000 USD/tháng.

Ngoài ra, Công ty HS phải chuyển cho King Club khoản chi phí cố định để duy trì hoạt động của King Club là 100.000 USD/tháng. Đổi lại, King Club phải tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các thủ tục cần thiết để Công ty HS quản lý và kinh doanh.

Để vận hành King Club, Kim In Sung thuê 3 người Hàn Quốc, gồm Cho Choon Keun, Choi Jin Bok, Shim Hawn Hee làm quản lý. Trong đó, Shim Hawn Hee được giao quản lý tài chính, theo dõi, quản lý doanh thu hàng ngày để báo cáo và chuyển tiền mặt cho Kim In Sung; thanh toán tiền lệ phí và chi phí cố định cho phía King Club.

Từ ngày 1/1/2020, Kim In Sung chính thức điều hành, quản lý King Club, nhưng để tăng doanh thu, ông ta đề nghị và được các bị can tại Công ty Việt Hải Đăng là Nguyễn Đình Lâm (Phó tổng Giám đốc Công ty Việt Hải Đăng, Giám đốc King Club), Phan Trường Giang (Giám đốc King Club) đồng ý cho người Việt Nam vào chơi điện tử có thưởng. Tuy nhiên bị can Lâm khai, ông chủ thực sự của Công ty Việt Hải Đăng là ông V.V.H. (69 tuổi, ở Hà Nội). Lâm từng nhận 400.000 USD từ phía Kim In Sung (tiền trả cho chi phí kinh doanh tại King Club) rồi chuyển toàn bộ cho ông H; nhưng Lâm không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này.

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng nhận được đơn của ông N.B.Đ. (57 tuổi, ở Hà Nội) tố cáo Nguyễn Đình Lâm và ông V.V.H. có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 5,57 triệu USD. Cụ thể, ông Đ. cho biết từng đặt cọc số tiền trên để mua 49% cổ phần của Công ty Việt Hải Đăng và sở hữu 100% chi nhánh Câu lạc bộ OV TP Hồ Chí Minh (ở khách sạn Equatorial, số 242 Trần Bình Trọng).

Thế nhưng đến nay, ông Đ. và các cá nhân liên quan chưa cung cấp các tài liệu gốc gồm bản thỏa thuận nguyên tắc, các giấy biên nhận tiền, các bản cam kết, các giấy tờ, tài liệu thỏa thuận khác có liên quan. Do đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chưa đủ tài liệu, căn cứ đánh giá, kết luận nên đã tách ra để xem xét, xử lý sau.

Để vào chơi tại King Club, khách người Việt phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và cung cấp số điện thoại cho nhân viên lễ tân. Sau đó, nhân viên lễ tân dùng phôi trắng thẻ thành viên có sẵn số ID PLAY (số định danh), sử dụng máy chuyên dụng in tên giả bằng tiếng nước ngoài lên thẻ để cấp cho người chơi Việt Nam, không in tên thật.

Để quản lý người chơi là người Việt Nam, lễ tân nhập các thông tin cá nhân, số ID PLAY và "tên giả bằng tiếng nước ngoài" vào phần mềm BINO. Kết thúc buổi chơi, khách là người Việt Nam đưa thẻ thành viên cho nhân viên lễ tân quản lý; lần sau đến chơi sẽ được đưa lại.

Để lôi kéo, giữ chân người chơi, tùy từng thời điểm, King Club đưa ra nhiều chính sách khuyến mại, tặng Voucher, tiền mặt cho người chơi căn cứ theo điểm tích lũy. Ví dụ, tặng Voucher dành cho người chơi mới từ 200 đến 1.000 USD; tặng theo ngày từ 50 - 2.000 USD; trả tiền % thua cho khách (thua trên 1.000 USD được trả 5%, thua trên 5.000 USD được trả 10%)…

Phan Trường Giang và Nguyễn Đình Lâm còn giúp sức, thông báo cho những quản lý người Hàn Quốc để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Cơ quan An ninh điều tra xác định được từ ngày 4/2/2024 đến ngày 22/6/2024, Kim In Sung, Cho Choon Keun, Shim Hawn Hee, Choi Jin Bok, Nguyễn Đình Lâm và Phan Trường Giang lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh trò chơi điện tử dành cho người nước ngoài để cho 145 đối tượng là người Việt Nam đánh bạc. Với tổng số tiền cộng dồn 106 triệu USD (khoảng 2.576 tỉ đồng). Kim In Sung thu lợi bất chính 9,2 triệu USD - khoảng 222 tỉ đồng từ tổng số tiền mà các bị can đã đánh bạc thua. Tuy nhiên, người này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam trước thời điểm vụ án được phát hiện nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã.

Những con số khủng và lỗ hổng pháp lý

King Club được cấp phép chỉ cho phép du khách nước ngoài tham gia các trò như slot, roulette, baccarat. Bởi vậy để tổ chức cho người Việt vào sòng bài, luật ngầm do nhóm Kim In Sung đặt ra, người Việt khi vào King Club phải xuất trình giấy tờ tùy thân, số điện thoại cho lễ tân. Sau đó lễ tân sẽ dùng phôi thẻ thành viên, dùng máy chuyên dụng in tên giả bằng tiếng nước ngoài cấp cho người chơi, chứ không dùng tên thật.

Từ đó nhóm cựu quan chức, doanh nhân, bác sĩ và rất nhiều người tự xưng làm nghề "lao động tự do" khi vào "sòng bạc" đều ngụy trang dưới những cái tên nước ngoài.

Theo cáo trạng, người tham gia đánh bạc với số tiền nhiều nhất là Bùi Văn Huynh (lao động tự do, quê ở Hải Dương (cũ). Dưới cái tên Mr. Calla, bị can Huynh đã 34 lần tham gia sát phạt với tổng số tiền lên đến 16,3 triệu USD.

Bị can Vũ Phong (53 tuổi, trú tại phường Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ghi làm nghề "lao động tự do" nhưng khi bước vào "sòng bạc" King Club đã ngụy trang dưới cái tên "Mr Tom". Chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, bị can Phong đã 100 lần đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc lên tới 10,7 triệu USD (tương đương 280 tỉ đồng). Số tiền "Mr Tom" đánh bạc nhiều thứ hai trong số các bị can, chỉ sau bị can Huynh. Thế nhưng theo dữ liệu ghi lại, số tiền bị can này thua lại nhiều nhất, lên đến hơn 1,4 triệu USD (hơn 34 tỉ đồng).

Trước khi bị truy tố trong vụ án này, từ tháng 6/2024, bị can Phong bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án khác để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Điều đáng buồn trong đường dây đánh bạc tại King Club xuất hiện nhiều quan chức với số tiền đánh bạc cực khủng. Như trường hợp bị can Hồ Đại Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (cũ) được xác định mở thẻ với tên "Mr Michael" vào tháng 6/2020. Từ tháng 2 đến tháng 6/2024, bị can đánh bạc 95 lần bằng hình thức chơi Slot, Roulette, Baccarat với tổng số tiền hơn 7 triệu USD. Lần chơi nhiều nhất là hơn 331.000 USD, lần chơi ít nhất hơn 4.900 USD, thua hơn 759.000 USD (hơn 18 tỉ đồng).

Tương tự, bị can Ngô Ngọc Đức (cựu Bí thư Thành ủy TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (cũ) cũng được ghi nhận có nghề nghiệp kinh doanh. Bị can Đức bị cáo buộc chi 4,2 triệu USD để đánh bạc tại Khách sạn Pullman, bị bắt ngày 5/8/2024 và cũng bị tạm giam nhưng sau đó được tại ngoại với lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Còn hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức khác cũng tham gia đường dây đánh bạc này. Đơn cử như tại Phòng Khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ (trước sáp nhập), 2 bị can là Nguyễn Tiến Dũng (cựu Trưởng phòng) và Nguyễn Xuân Huệ (cựu Phó phòng) cũng bị truy tố tội "Đánh bạc". Bị can Nguyễn Tiến Dũng bị xác định đánh bạc 87 lần với tổng tiền 237.900 USD. Bị can Huệ đánh bạc 61 lần, tổng số tiền 447.000 USD…

Ngoài ra còn có các bị can Tạ Quốc Thịnh (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Hùng Vương, Phú Thọ cũ), biệt danh “MR JOHN”, đánh bạc 53 lần với tổng tiền 137.600 USD.

Vợ chồng nghi can Nguyễn thị Mai Anh và Lê Văn Đông đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc song vẫn đánh bạc 100 lần tại King Club

Vợ chồng nghi can Nguyễn thị Mai Anh và Lê Văn Đông đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc song vẫn đánh bạc 100 lần tại King Club

Bị can Đỗ Anh Tuấn (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ (cũ) bị cáo buộc chỉ trong 4 tháng năm 2024 đã đánh bạc 84 lần với số tiền 877.000 USD. Bị can Đỗ Quang Hưng (cựu Phó phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Thọ (cũ) bị cáo buộc đánh bạc 16 lần với tổng số tiền 76.800 USD. Ngoài ra có Chu Đình Tuấn (bác sĩ), Nguyễn Hữu Liêm (luật sư), Lê Thế Chiến (nguyên phó tổng biên tập tạp chí)…

Bên cạnh đó đường dây đánh bạc còn thu hút nhiều doanh nhân tham gia dưới nhiều biệt danh khác nhau như Nguyễn Thu Thủy (Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế kiểm định giao thông xây dựng và thi công xây lắp); Nguyễn Như Hoài (Giám đốc Công ty Sài Gòn Express); Nguyễn Duy Toại (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nguyên Hà Á Châu); Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Thịnh Phát); Trần Mạnh Hùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Cavico); Đỗ Xuân Lập (Tổng Giám đốc Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt)...

Doanh nhân Vũ Thị Tuyết Mai (63 tuổi, nghề nghiệp ghi là kinh doanh) mở thẻ với cái tên nước ngoài "Mrs Joana". Chỉ chưa đầy 5 tháng, "Mrs Joana" đã 67 lần đến sòng bạc đánh bạc lên đến 9,8 triệu USD (hơn 256 tỉ đồng).

Một doanh nhân khác cũng chi triệu USD đánh bạc là bị can Hồ Đồng Tháp (Giám đốc Công ty CP O2 Việt Nam). Bị can Tháp tham gia đánh bạc ngụy trang dưới cái tên "Mr Eric" và nằm trong danh sách 20 người bị cáo buộc chi từ 1 triệu USD đến hơn 16 triệu USD đánh bạc. Vị giám đốc này đã 65 lần chi tổng số tiền 1,2 triệu USD để đánh bạc với cả 3 trò chơi Slot, Roulette và Baccarat.

Bị can Trương Xuân Danh, Cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh tham gia đánh bạc ngụy trang dưới cái tên "Mr. Sancho" 45 lần bằng hình thức chơi Roulette. Tổng số tiền doanh nhân này chi vào các trò chơi cờ bạc gần 59.000 USD.

Ngoài ra có ca sĩ cũng tham gia đánh bạc với số tiền rất lớn. Như bị can Nguyễn Thế Vũ, người chi số tiền đánh bạc lớn thứ 5 (đứng vị trí ngay sau cựu phó chủ tịch Phú Thọ cũ Hồ Đại Đũng). Ở phần lý lịch, bị can Thế Vũ có nghề nghiệp là ca sĩ và kinh doanh tự do.

Ca sĩ Thế Vũ từng công tác tại Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5 đến năm 1995 thì ra quân và hoạt động nghệ thuật tự do. Ca sĩ Thế Vũ ngụy trang dưới cái tên "Mr Troy".

Chỉ trong hơn 4 tháng, ca sĩ Thế Vũ đã đánh bạc 116 lần với tổng số tiền lên đến hơn 4,3 triệu USD (hơn 112 tỉ đồng). Một "con bạc" khác cũng từng "đỏ đen" tại King Club là ca sĩ Vũ Ngọc Hà với tên "Mr Baret", đã đánh bạc tổng số tiền 2.600 USD.

Trong số các bị can bị truy tố, không thể nhắc đến Nguyễn Thị Mai Anh (sinh năm 1978, ở Hà Nội) Lê Văn Đông (sinh năm 1978, chồng Mai Anh), chính là hai bị can cầm đầu đường dây chạy kết luận giám định tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá tháng 6/2025.

Trong thời gian hơn 3 năm, từ thời gian mở thẻ tại King Club đến khi vụ án bị triệt phá, vợ chồng Mai Anh và Đông đều có hồ sơ đang bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương khi đang là bị can trong vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thụ lý. Còn Đông từng 5 tiền án và tiền sự là bị can trong vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (cũ) thụ lý.

Vụ việc tại King Club không chỉ là hành vi đánh bạc đơn thuần mà còn phơi bày lỗ hổng trong quản lý trò chơi có thưởng cho người nước ngoài và tình trạng giả danh ngoại để lách luật. Việc siết chặt chế tài cần làm đồng bộ - từ kỹ thuật, pháp luật đến ý thức xã hội - nhằm ngăn chặn các “ổ đỏ đen đội lốt thương mại, du lịch cao cấp”.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/gan-mac-ngoai-de-do-den-nghin-ti-i774793/