Gần một nửa nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL dừng hoạt động
Chiều 25-9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sáu tháng đầu năm kết quả xuất khẩu cá tra rất khả quan. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh COVID-19 khiến TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải giãn cách xã hội kéo dài làm toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cá tra.
Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra chế biến xuất khẩu cuối năm
Theo ông Luân, tính đến đầu tháng 9, đã có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh ĐBSCL phải tạm dừng hoạt động, nhiều nhất là ở Cần Thơ. Các doanh nghiệp (DN) còn hoạt động thì công suất chỉ đạt 10-30%, chi phí duy trì sản xuất tăng cao.
Cạnh đó là một loạt các khó khăn khác như cước vận tải biển tăng liên tục, giá thức ăn thủy sản tăng, thiếu công nhân thu hoạch, quá trình vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương bị đứt gãy, chi phí test COVID-19...
Về tình hình sản xuất cá tra giống, các tháng đầu năm tình hình xuống giống tương đối tốt, nhưng các tháng 6,7,8 sau đó lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, có tháng giảm hơn 80%.
Sản lượng thu hoạch cá tra cũng giảm rất mạnh. Tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, nửa đầu tháng 9 giảm 77% so với cùng kỳ năm 2020.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Tô Thị Tường Lan cũng đánh giá với hàng loạt khó khăn như trên, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 9 có thể giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời trước tình trạng hồi phục rất chậm của các DN cá tra thì nhiều DN sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận đơn hàng mới cho đầu năm 2022.
Bà Lan cũng đánh giá sẽ thiếu nguyên liệu vào dịp cuối năm nay và đầu năm tới và lo ngại về chất lượng nguyên liệu trong ao hiện nay đang giảm thấp khi cá quá size, cá thịt vàng...
Kiến nghị cấp "thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá liên tỉnh"
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết hiện ngành cá tra đang chuẩn bị bước sang giai đoạn sản xuất bình thường mới, tuy nhiên việc di chuyển của người lao động của các hộ nuôi giống, vấn đề test COVID-19, vấn đề cách ly vẫn đang có rất nhiều vướng mắc.
Đơn cử như đối với công đoàn thu hoạch cá thịt, khi thu hoạch xong, người lao động về nhà phải thực hiện cách ly, thậm chí có địa phương thực hiện giăng dây phong tỏa khiến những người sống cùng gia đình cũng không thể ra ngoài đi làm kiếm sống.
Hoặc công đoàn thu hoạch cá thịt ở trong tỉnh này nhưng mua cá hoặc cá được nuôi ở tỉnh khác. Để thu hoạch được, công đoàn phải xin phép ý kiến của hai tỉnh và ở các huyện bên thu hoạch và bên tiếp nhận về, do đó mất rất nhiều thời gian.
Sau khi thu hoạch trở về, có địa phương yêu cầu phải cách ly 14 ngày, có địa phương 7 ngày, phải test COVID-19 nhiều lần... Việc test và cách ly như vậy khiến người lao động không muốn làm việc.
"Các công đoàn thu hoạch cá giống cũng gặp những vướng mắc tương tự. Thậm chí, cán bộ kỹ thuật đi mua giống đã được tiêm hai liều vaccine nhưng về xã nói không thông chốt được, vẫn phải cách ly 14 ngày" - bà Khanh nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong giai đoạn phục hồi, bà Khanh kiến nghị các tỉnh nuôi và chế biến cá tra ra tuyên bố chung công nhận công đoàn đã và đang thực hiện 3 tại chỗ, cấp "thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá liên tỉnh". Công đoàn này được công nhận kết quả lịch sử kiểm soát COVID-19, không phải cách ly khi vào thu hoạch cá ở ngoài tỉnh.
Bà Khanh cũng kiến nghị liên tỉnh cho phép người lao động sản xuất, chế biến, nuôi, thu hoạch cá tra có thể đến nhà máy chế biến ngoài tỉnh, ao nuôi ở các địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 trên cơ sở thực hiện đúng quy định kiểm soát dịch bệnh của đơn vị, tiến đến công nhận "thẻ xanh công nhân" liên tỉnh.
Đồng thời đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục di chuyển của công đoàn thu hoạch ngoài tỉnh không quá ba ngày...