Gan nhiễm mỡ thai kỳ có nguy hiểm?

Gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai là bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao đối với mẹ và thai nhi.

Tỷ lệ tử vong của gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai khá cao, tử vong ở mẹ chiếm khoảng 18% do nhiều biến chứng xảy ra và tỉ lệ tử vong ở thai vào khoảng 47%. Bệnh còn được gọi là chứng teo gan vàng cấp tính trong sản khoa. Vậy phải xử lý thế nào khi mẹ bầu bị gan nhiễm mỡ? Có cách nào để phòng tránh bệnh lý này?

PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc khẳng định, các thai phụ cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên. (Ảnh BV cung cấp)

PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc khẳng định, các thai phụ cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên. (Ảnh BV cung cấp)

Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai là bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao.

“Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính ở bà bầu là 1/7.000 – 1/20.000 trường hợp. Bệnh thường xảy ra ở thai phụ sinh con lần đầu, đặc biệt là phụ nữ nhẹ cân (chỉ số BMI dưới 20), mang đa thai, hay gặp nhất là ở người mang thai trẻ tuổi và thường xuất hiện ở tuần thai từ 32 đến 38 tuần”, BS Trịnh Thị Ngọc cho hay.

Thai phụ mới mắc bệnh gan nhiễm mỡ thường có các triệu chứng như: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau tức hạ sườn phải, đau vùng thượng vị, chán ăn.

“Các triệu chứng có thể tiến triển đến vàng da, bụng có thể chướng, trường hợp nặng có thể xảy ra suy gan. Bệnh nhân có thể có nước trong ổ bụng. Rất hay gặp là bệnh đái tháo nhạt, trường hợp nặng sẽ có biểu hiện tiền sản giật”, PGS.TS.SB Trịnh Thị Ngọc nói.

Gan nhiễm mỡ cấp ở thai phụ có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm, như chia sẻ của PGS.TS Trịnh Thị Ngọc: “Các biến chứng hay gặp ở phụ nữ mang thai bị gan nhiễm mỡ như tình trạng suy gan, bệnh lý não gan, rối loạn đông máu; hạ đường huyết; nhiễm trùng huyết; suy gan thận. Ngoài ra có thể gây xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, băng huyết, thai chết lưu thường xảy ra trong những trường hợp gan nhiễm mỡ thể nặng ở người có thai, thậm chí bệnh còn gây tử vong mẹ”.

Gan nhiễm mỡ cấp tính thường khó phát hiện khi thăm khám gan do bệnh thường xảy ra vào giai đoạn thai đã lớn, vì vậy cần phải nhờ đến các xét nghiệm và các dấu hiệu để chẩn đoán.

“Khi tiến hành xét nghiệm sẽ thấy tăng chỉ số Bilirubin, đường máu có thể hạ, có thể tăng bạch cầu, tăng axit uric hoặc tăng NH. Xét nghiệm men gan có thể tăng nhẹ, suy thận, có hiện tượng rối loạn đông máu. Khi tiến hành siêu âm, chụp cắt lớp vi tính thì thấy có những hạt mỡ trong gan, đặc biệt với trường hợp nặng có thể thấy những khối máu tụ trong gan và khối máu tụ vỡ có thể gây biến chứng nặng. Gan nhiễm mỡ cấp ở phụ nữ có thai rất hay gặp và dễ chẩn đoán nhầm với hội chứng Hellp (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ, đôi khi xảy ra sau sinh)”, BS Trịnh Thị Ngọc nhấn mạnh.

Việc điều trị hiện nay vẫn còn khó khăn bởi nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ hiện vẫn chưa rõ có thể liên quan đến men chuyển hóa trong ty lạp thể.

“Bệnh thường rất nặng và trường hợp nặng thường phải nằm theo dõi ở phòng điều trị tích cực của bệnh viện, có thể phải truyền máu, lọc máu và thông khí nhân tạo mới có thể cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong là khá cao. Người mẹ đã từng có một hoặc nhiều lần bị bệnh này sẽ gây ra sự thiếu hụt men xúc tác trong quá trình oxy hóa ty lạp thể của acid béo ở trẻ, khiến trẻ bị hạ đường huyết, hôn mê, nồng độ men gan bất thường hoặc đột tử ở trẻ không tìm ra nguyên nhân”- PGS Ngọc cho biết.

Vì bệnh để lại những hậu quả nặng nề nên việc phòng tránh là điều các sản phụ cần chú ý. “Khi có thai các mẹ bầu tránh lo lắng nhiều. Khi ăn uống, những thức ăn có chất kích thích như rượu bia, chất có cồn chúng ta không nên sử dụng. Không nên quá thức khuya, thời gian ngủ thích hợp để sản phụ đảm bảo tốt chức năng chuyển hóa. Đặc biệt với các sản phụ đã bị gan nhiễm mỡ trong lần mang thai đầu thì lần sau chúng ta cần quan tâm đặc biệt để thực hiện các biện pháp dự phòng”- BS Ngọc tư vấn.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của chuyên gia, sản phụ cần chú ý đi khám thai thường xuyên bởi hiện tại bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính ở thai phụ chưa có thuốc đặc trị, mới chỉ điều trị được triệu chứng, chưa điều trị được căn nguyên. Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp các bác sĩ phát hiện triệu chứng bệnh sớm và có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu để muộn khiến bệnh trở nặng sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh hoặc biến chứng, thai phụ cần tăng cường chất xơ từ rau củ quả, hạn chế mỡ động vật, bổ sung chất béo thực vật, không sử dụng chất kích... Tuy nhiên cần lưu ý là thai phụ không nên kiêng khem quá mức, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.

Mẹ bầu nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu, hạn chế tích lũy mỡ thừa có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ thai kỳ.

Phương Trang/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/gan-nhiem-mo-thai-ky-co-nguy-hiem-post1216936.vov