Trẻ em bị ung thư tuyến giáp tiến triển di căn nhanh hơn ở người lớn
Ung thư tuyến giáp là bệnh hiếm gặp ở trẻ em, nhưng khi mắc bệnh, các tế bào ung thư ở trẻ sẽ phát triển nhanh hơn ở người lớn. Các triệu chứng thường không rõ ràng và diễn tiến âm thầm, khiến bệnh dễ dàng bị bỏ qua cho đến khi đã di căn.
BS.CKII Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, thông thường ở người lớn, thời gian để tế bào tuyến giáp ác tính di căn hạch cổ mất 6 - 12 tháng, thậm chí nhiều năm. Ở trẻ em, thời gian này chỉ từ 3 - 6 tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh di căn đến hạch thượng đòn, phổi, xương, não… gây khó điều trị, ảnh hưởng đến tiên lượng sống.

Sau 4 tiếng đồng hồ, bệnh nhi được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch loại trừ tế bào ung thư. Ảnh: BV
Điển hình gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi nữ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp đã di căn. Bệnh nhi có biểu hiện vùng cổ sưng to, với khối u di chuyển lên xuống theo nhịp nuốt. Theo ghi nhận bệnh sử, từ năm ngoái, vùng cổ của bệnh nhi phát triển nhanh về kích thước, sưng to, dù không có các triệu chứng như sốt hay đau họng. Tuy nhiên, gia đình cho rằng do bé tăng cân, vì vậy không đưa bé đi khám.
Đến tháng 6/2025, gia đình nhận thấy bé sụt cân, bướu cổ to rõ bất thường và hạch di chuyển theo nhịp nuốt nên đã đưa bé đến khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Sau đó, gia đình đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh để điều trị. Kết quả siêu âm và chọc dò FNA (chọc tế bào bằng kim chuyên dụng) đã xác định bệnh nhi bị ung thư tuyến giáp di căn vào các nhóm hạch hai bên cổ.
“Chúng tôi đã kết hợp với khoa Ngoại vú - Đầu Mặt Cổ và các bác sĩ khoa Ung bướu, Nội tiết để xây dựng phác đồ điều trị an toàn và tối ưu hiệu quả cho bé. Sau 4 tiếng đồng hồ, bệnh nhi được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch loại trừ tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, không bị khàn giọng hay gặp các biến chứng tê tay, hụt hơi. Bệnh nhi được tiếp tục uống i-ốt phóng xạ ngăn ung thư tái phát”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Theo bác sĩ Tuấn, các triệu chứng ung thư tuyến giáp ở trẻ em thường không rõ ràng, diễn tiến nhanh và âm thầm, khiến bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn di căn hạch. Bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ có vùng cổ phình to và hạch di chuyển theo nhịp nuốt khi ăn, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn hạch.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến nghị các bậc phụ huynh nên chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, để tăng cơ hội phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư tuyến giáp là bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Tại châu Âu, tỷ lệ mắc bệnh ước tính vào khoảng 1 - 2 ca trên một triệu trẻ từ 10 - 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) công bố vào năm 2024, ung thư tuyến giáp đứng ở vị trí thứ 6 trong các loại ung thư. Bệnh chủ yếu phổ biến ở người từ 40 - 70 tuổi và ít gặp ở trẻ em, mặc dù vẫn có thể gặp ở nhóm tuổi từ 15 - 19.