Gần nửa thế kỷ 'ở vậy' để nuôi con đồng đội

Giữ lời hứa với đồng đội nơi xà lim lạnh lẽo, 47 năm qua bà Lê Thị Thanh (Tám Thương) không lập gia đình, bỏ qua mọi điều tiếng thị phi, một mực yêu thương, chăm lo cho đứa con gái của đồng đội như con ruột của mình.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc, có rất nhiều câu chuyện đẹp về tình đồng chí, đồng đội mà mãi đến sau này người ta vẫn xem đó không khác những giai thoại. Một trong những câu chuyện đó là lời hứa nuôi con giùm người đồng đội của bà Lê Thị Thanh (80 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Lời hứa nơi xà lim Khám lớn Cần Thơ

Bà Thanh sinh ra và lớn lên ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 14 tuổi bà tham gia cách mang, làm giao liên. Sau đó chuyển qua làm công tác nông dân và qua quá trình công tác từ cơ sở lên tỉnh, bà giữ chức Ủy viên Ban chấp hành nông dân khu Tây Nam bộ khi mới 25 tuổi. Năm 1974, trong một chuyến công tác về Cần Thơ để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, bà đã bị bắt ở cầu Cái Răng và giam ở Khám lớn Cần Thơ.

Bà Lê Thị Thanh (Tám Thương) không lập gia đình, chăm lo cho con của đồng đội quá cố. Ảnh: CHÂU ANH

Bà Lê Thị Thanh (Tám Thương) không lập gia đình, chăm lo cho con của đồng đội quá cố. Ảnh: CHÂU ANH

Tại đây, sau những trận đòn roi tra tấn, bà Thanh được đưa về phòng giam. Dù không biết nhau nhưng những người cùng chung cảnh ngộ dần dà hiểu và chăm sóc cho nhau, từ đó bà Thanh thân với nữ chiến sĩ Lê Kim Tiến. Bà Thanh kể bà Tiến cùng chồng là hai chiến sĩ thuộc Ban Binh vận Khu 9, khi bị bắt bà Tiến phát hiện mình đã mang thai ba tháng. Trong những trận tra khảo thừa sống thiếu chết, bà Tiến bất kể mạng sống bản thân, điều bà quan trọng nhất là sức khỏe, tính mạng của hài nhi trong bụng.

"Tụi nó đánh em, em đưa lưng ra chịu, em sợ tụi nó đá vô bụng rồi sau này con em tật có nguyền. Cái chết của mình tới nơi em không bao giờ lo sợ, chỉ lo cho đứa con trong bụng. Nếu em sinh rồi, chị ở lại nuôi con giùm em. Con khôn thì mẹ vui lòng, con dại thì mẹ đau lòng nhưng chị hứa với em là đừng bỏ con" - bà Thanh thuật lại những lời nữ bạn từ tâm sự nơi phòng giam của Khám lớn Cần Thơ.

Cảm động trước lời gửi gắm gần như trăn trối của nữ bạn tù, bà Thanh đã đồng ý. Ngày 17-4-1975, đứa bé ấy cất tiếng khóc chào đời, còn người mẹ đã hy sinh. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhớ lại lời hứa năm xưa, bà Thanh đã tìm gặp và bắt đầu hành trình nuôi con đồng đội, bà đạt tên đứa bé là Lê Việt Tiến (ghép từ tên của cha và mẹ quá cố).

“Có thể nói là lịch sử cuộc đời tôi, đi làm cách mạng gian khổ chứ chưa gian khổ bằng thời gian nuôi cháu Tiến. Bời vì mình vừa không biết làm mẹ, vừa không tiền, vừa đi công tác phải mang theo con nhỏ, rồi còn miệng đời mỉa mai đủ thứ” - bà Thanh tâm sự.

Cảm động trước lời gửi gắm đứa con gái như trăn trối của bạn tù, bà Thanh đồng ý.

Cảm động trước lời gửi gắm đứa con gái như trăn trối của bạn tù, bà Thanh đồng ý.

Di tích Khám lớn Cần Thơ vẫn còn hình ảnh kể lại câu chuyện của liệt sĩ Lê Kim Tiến và bà Lê Thị Thanh.

Di tích Khám lớn Cần Thơ vẫn còn hình ảnh kể lại câu chuyện của liệt sĩ Lê Kim Tiến và bà Lê Thị Thanh.

Cầm sổ lương, bán nhà trị bệnh cho con

Đứa bé năm xưa, nay đã 47 tuổi. Tuy nhiên, do không may mắn ra đời trong thời gian chiến tranh ác liệt, thiếu thốn cực kỳ, cộng thêm những lần mẹ bị tra tấn, đánh đập dã man làm ảnh hưởng nên Việt Tiến bị suy dinh dưỡng nặng. Dù vậy, bà Thanh vẫn cố gắng chu toàn mọi việc để chăm sóc, nuôi con ăn học như bạn bè. Học hết phổ thông, do là con của hai liệt sĩ ngành bưu chính nên chị Tiến được bưu điện nhận vào làm, sau đó lập gia đình.

Đứa bé năm xưa sinh ra trong Khám lớn Cần Thơ nay đã 47 tuổi. Ảnh: CHÂU ANH

Đứa bé năm xưa sinh ra trong Khám lớn Cần Thơ nay đã 47 tuổi. Ảnh: CHÂU ANH

Những tưởng mọi việc đã viên mãn, bà Thanh có thể hoàn thành lời hứa với người bạn tù quá cố. Nhưng đến năm chị Tiến 37 tuổi, gia đình bàng hoàng khi phát hiện chị bị bệnh tim bẩm sinh và bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, có những lần rơi vào nguy kịch.

Do bệnh khá nặng, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ dù tận tình cứu chữa nhưng không khỏi, gia đình phải đưa chị Tiến lên bệnh viện TP.HCM điều trị. Qua chẩn đoán, với căn bệnh chị Tiến đang mắc phải, chị cần được nong tim, viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Thời điểm đó, đây là số tiền rất lớn với gia đình, vậy là bà Thanh quyết định cầm sổ lương, bán luôn căn nhà đang ở để có tiền trị bệnh cho con.

Bán nhà trị bệnh cho con, gia đình mới ra mướn phòng trọ ở, sau đó, thấy con bị bệnh tim mà sống chật chội không được, tôi mới tìm mướn nguyên căn nhà. Sổ lương đã cầm rồi, Tiến thì không có công ăn việc làm, cả nhà chỉ dựa vào thu nhập của con rể làm bảo vệ. Tôi không ngờ năm nay tuổi 80 mà còn khổ, nhưng tôi chỉ còn một điều không yên tâm là nếu mai này tôi mất, con tôi nhà đâu ở- bà Thanh ngậm ngùi.

Chị Lê Việt Tiến bày tỏ: “Tôi thương mẹ nhiều lắm, bởi vì nếu không có mẹ thì không biết giờ này tôi còn ngồi đây được không. Bản thân mẹ không chồng không con, trải qua nhiều khó khăn vất vả nuôi tôi đến như thế này là rất quý rồi. Hiện nay tôi chỉ cầu mong vượt qua được bệnh tật để chăm lo, báo hiếu cho mẹ".

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-nua-the-ky-o-vay-de-nuoi-con-dong-doi-post691062.html