Gần nửa thế kỷ 'tuyên chiến' với hủ tục chữa bệnh bằng tàn hương, nước thánh
Gần 50 năm trị bệnh cứu người, đạt nhiều danh hiệu cao quý, lương y Đặng Đăng Lý (người dân tộc Dao) góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tin vào sự tiến bộ của y học trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe...
Người xóa bỏ "tàn hương, nước thánh"
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó giữa bản làng người Dao, lớn lên trong mưa bom đạn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có thể nói hành trình đến với nghề Y của lương y Đặng Đăng Lý (SN 1949, ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Chúng tôi đến thăm Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - lương y Đặng Đăng Lý khi mùa xuân mới cận kề. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông nằm giữa lưng chừng đồi, bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của núi rừng được người dân địa phương ví như "bệnh viện lưu động". Mặc dù địa hình đi lại tương đối khó khăn, nhưng không vì thế mà nản lòng người bệnh tìm tới vị lương y già.
Thời điểm chúng tôi có mặt, xe của người dân đã để chật sân nhỏ của gia đình. Đó không chỉ là những bệnh nhân sinh sống tại địa phương mà có nhiều người từ nơi xa tìm đến như Bắc Giang, Lạng Sơn...Tất cả xếp hàng trật tự, chờ tới lượt mình khám bệnh.
Dù đã tuổi đã cao, nhưng ông Lý vẫn minh mẫn và tinh anh trong khi khám bệnh. Các động tác của ông thoăn thoắt, trơn tru... Và, ai cũng gọi ông là thầy để thể hiện sự kính trọng với vị lương y đáng mến.
Gần trưa, số lượng người bệnh buổi sáng đã được thăm khám xong, lương y Đặng Đăng Lý mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Kể về hành trình đến với nghề Y, ông bồi hồi, xúc động... Ông chậm rãi lật hồi những ký ức của tuổi trẻ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, quê hương ông vẫn còn là vùng núi hoang vu, với rất nhiều hủ tục nặng nề. Mỗi khi bản làng có người ốm đau, người dân cho rằng do bị "con ma rừng" hành hạ và mặc định phải nhờ tới "tàn hương, nước thánh" của thầy cúng để chữa trị.
Có suy nghĩ tân tiến, ông Lý không tin "con ma rừng" là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho người dân nơi bản làng. Tuy vậy, ông cũng không biết làm thế nào chứng minh những suy nghĩ của mình là đúng. Cho tới khi biến cố trong gia đình ông ập tới. Năm 1965, mẹ ông bị ốm "thập tử nhất sinh". Người thân trong gia đình lập tức đi mời thầy cúng. Lễ lạt làm đủ đầy, nhưng bệnh của mẹ ông có dấu hiệu ngày một trầm trọng hơn.
Chứng kiến cảnh tượng đó, không chút do dự, ông Lý quyết định cõng mẹ vượt gần nửa ngày đường ra tận huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) chữa bệnh. Được các y bác sĩ chăm sóc tận tình, chữa đúng bệnh, sức khỏe mẹ ông dần ổn định sau vài ngày điều trị.
Từ sự việc thực tế của mẹ, ông càng vững tin hơn vào những suy nghĩ của mình là đúng. Cũng bắt đầu từ đó, giấc mơ trở thành một thầy thuốc có thể cứu người lớn dần trong ông.
Người định vị lại vai trò thầy thuốc nơi bản làng
Năm 1971, ông Đặng Đăng Lý theo học tại Trường Trung cấp Y Bắc Thái. Nhắc tới giai đoạn này, ông chảy nước mắt bởi nhắc tới kí ức đầy đau thương trong cuộc đời mình. Ông lục tìm trong những kỉ vật xưa, lấy ra một chiếc chăn đã nhuốm màu thời gian.
Mân mê chiếc chăn hồi lâu, ông nghẹn ngào: "Lớp y sĩ của chúng tôi khi đó số lượng không nhiều, thời gian học thì liên tục bị gián đoạn bởi bom Mỹ. Một hôm, cả lớp đang chăm chú nghe giảng thì tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Lập tức giáo viên và toàn bộ học viên khẩn trương chui xuống hầm trú ẩn. Tôi được người bạn ngồi kế bên lấy tấm chăn che hộ lên đầu. Ngồi chưa kịp ấm chỗ, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển mặt đất, kèm theo đó là những tiếng hét thất thanh. Nhìn những người thân quen mà hằng ngày mình vẫn chuyện trò bỗng "ra đi" đột ngột trước mắt mình, một cảm giác đau đớn, bất lực trào dâng trong tôi".
Tháng 5/1975, hòa bình lập lại cũng là thời điểm ông Đặng Đăng Lý hoàn thành khóa học. Tố chất thông minh, tính tình cần cù, chịu khó, ông được các thầy cô động viên, khuyên nên học tiếp lên cao để sau này đóng góp nhiều hơn cho nền y học nước nhà. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lời mời ông về làm việc tại các cơ sở y tế với mức đãi ngộ hấp dẫn. Tuy vậy, sau tất cả, vì nặng lòng với người dân nơi bản làng nghèo khó, ông quyết định trở về quê nhà cống hiến và giữ chức Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Tiến.
Thời kỳ đó, Trạm Y tế xã Hợp Tiến chỉ là vài gian nhà lợp mái lá, vách đất, dụng cụ y tế vô cùng đơn sơ với những bông, băng, kẹp và số ít loại thuốc cơ bản. Tuy nhiên cơ sở vật chất không phải là khó khăn lớn nhất đối với những người hành nghề Y nơi bản làng như ông Lý. Vấn đề nằm ở đại đa số người dân địa phương khi đó vẫn giữ cho mình suy nghĩ: Nguyên nhân của mọi bệnh tật là do "con ma rừng" gây ra. Thầy thuốc có uy tín đến đâu cũng không bằng thầy cúng.
Để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số không phải việc một sớm một chiều, ông kiên trì tuyên truyền kiến thức y khoa theo phương pháp "mưa dầm thấm lâu". Ông chắt chiu từng cơ hội, dù là nhỏ nhất để giúp người dân quê hương mình hiểu được giá trị thực sự của y học trong việc bảo vệ sức khỏe con người.
Câu chuyện của chúng tôi bỗng trở nên sôi nổi khi lương y Đặng Đăng Lý nhớ về những trường hợp người bệnh đầu tiên được ông thăm khám trên cương vị Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Tiến. Đó là một ngày cuối năm 1977, anh Triệu Tiến Bằng (người địa phương) bị bệnh, với biểu hiện người lúc nóng, lúc lạnh. Cho rằng anh Bằng bị "con ma rừng" bắt tội, người nhà lập tức mổ trâu bò, lợn gà và bày biện lễ lạt mời thầy cúng tới làm phép. Tuy vậy, tình trạng người bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu ngày một nặng thêm.
Biết tin, không quản đêm hôm mưa gió, ông tìm tới nhà thăm khám cho anh Bằng. Dựa vào kiến thức của mình, ông khẳng định người bệnh bị sốt rét rừng, nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Sau khi sơ cứu, ông vận động người nhà đưa anh Bằng tới bệnh viện huyện điều trị. Nhờ vậy, anh Bằng được cứu sống. Từ những câu chuyện thực tế mắt thấy tai nghe đó, người dân quê hương ông dần thay đổi nhận thức, tin tưởng vào thầy thuốc.
Theo thời gian, danh tiếng của lương y Đặng Đăng Lý đã vượt khỏi phạm vi bản làng, tỉnh, thành. Nhiều người bệnh từ các địa phương lân cận không quản ngại đường xá xa xôi tìm tới nhờ ông giúp đỡ. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân nghèo, ông đều khám bệnh miễn phí và hỗ trợ về thuốc thang. Năm 2009, ông Lý nghỉ hưu. Vì tình yêu với nghề Y và được mọi người ủng hộ, ông mở một phòng khám nhỏ tại nhà phục vụ người dân.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến tự hào nói: "Một người con của đồng bào dân tộc Dao, để đạt được những thành tựu như lương y Đặng Đăng Lý quả là trường hợp xưa nay hiếm. Với những đóng góp to lớn cho cộng đồng, lương y Đặng Đăng Lý luôn là người có uy tín tại địa phương. Đồng thời, ông cũng là tấm gương sáng để con cháu học tập. Thế hệ sau trong dòng họ, gia đình lương y Đặng Đăng Lý có nhiều người đang công tác, phục vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên".
Chúng tôi chia tay vị lương y già nắng dần tắt sau rặng núi phía xa, mong ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục tận hiến những gì là tinh túy nhất cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Với những đóng góp không biết mệt mỏi, năm 2000, lương y Đặng Đăng Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, 2 lần ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Với gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực Y tế, lương y Đặng Đăng Lý khiêm tốn tự nhận mình là người may mắn. May mắn bởi lẽ ông được mọi người yêu thương, tin tưởng và đùm bọc. Ông luôn tâm niệm việc chữa bệnh, cứu người là một trọng trách thiêng liêng, cao cả mà cuộc đời đã lựa chọn ông là người thực hiện.