Gắn sắp xếp 80 phường ở TP.HCM với tổ chức chính quyền đô thị

Liên quan việc sắp xếp 80 phường ở TP.HCM, chuyên gia cho rằng Trung ương chỉ cần đưa ra mục tiêu sáp nhập, còn nhập, tách thế nào, lộ trình ra sao, phương án cụ thể… nên để TP được chủ động.

TP.HCM đang hoàn thiện đề án sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận trên địa bàn TP.HCM để trình HĐND TP thông qua nghị quyết thực hiện đề án trước khi trình Bộ Nội vụ.

Với số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã được sắp xếp gấp bốn lần so với giai đoạn trước, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên khoa Luật hành chính - Nhà nước, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần được chủ động về cách làm, phương án sắp xếp để tránh làm rạn nứt hay có những xáo trộn quá lớn.

 TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên khoa Luật hành chính - Nhà nước, ĐH Luật TP.HCM.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên khoa Luật hành chính - Nhà nước, ĐH Luật TP.HCM.

Bệ phóng cho kinh tế TP.HCM

. Phóng viên: Thưa bà, việc sắp xếp ĐVHC lần này có ý nghĩa như thế nào đối với một TP đặc thù như TP.HCM?

+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: Việc tổ chức, sắp xếp lại ĐVHC cấp cơ sở là vấn đề trọng đại của quốc gia và cả các địa phương. Việc nhập hay tách đều đòi hỏi có những cơ sở lý luận và thực tiễn hết sức căn cơ, rõ ràng, minh bạch. Điều này nhằm bảo đảm rằng việc nhập, tách là khách quan và giải quyết các vấn đề phát sinh sau nhập, tách cũng được thực hiện một cách bài bản, có căn cứ.

Việc sáp nhập 80 phường ở TP.HCM sắp tới là vấn đề quan trọng của TP, mang đến nhiều cơ hội cho công cuộc sắp xếp ĐVHC lãnh thổ, từ đó cải tổ bộ máy, nhân sự, cải cách hành chính trên nhiều phương diện.

Bên cạnh đó, bối cảnh tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM đang trong quá trình đổi mới và các cơ chế đặc thù đang được triển khai thực hiện thì việc sáp nhập này cũng là một thách thức rất lớn với chính quyền, người dân TP.

. Vậy lần sáp nhập này có thể mang lại những cơ hội “thay da đổi thịt” như thế nào cho TP.HCM?

+ Kết quả của việc sắp xếp 80 phường tại 10 quận được nhìn thấy không chỉ là những con số như cắt giảm 39 ĐVHC hay giảm tải bao nhiêu chính quyền cơ sở, tinh giản được số lượng biên chế như thế nào… mà còn là kết quả lâu dài ở các khía cạnh kinh tế, chính trị.

Việc tinh gọn bộ máy cấp cơ sở được thực hiện một cách khoa học, bài bản sẽ là nền tảng cho xây dựng một chính quyền cấp cơ sở vững mạnh về chuyên môn, gắn kết về chính trị với cư dân, từ đó phát huy dân chủ đô thị.

Với một cấp chính quyền cơ sở được xây dựng với quy mô hợp lý, được tổ chức gọn nhẹ và đội ngũ nhân lực được chọn lọc khách quan, hợp lý sẽ là một bệ phóng về kinh tế - chính trị - xã hội cho chính quyền địa phương.

Đặc biệt, với TP.HCM, hiện đang có nhiều chế độ đặc thù về nhiều phương diện, cùng với việc tích hợp tổ chức lại ĐVHC lãnh thổ, bộ máy chính quyền cấp cơ sở sẽ là điều kiện bảo đảm cho công cuộc đổi mới toàn diện, sâu rộng và mạnh mẽ chính quyền đô thị TP.HCM trong thời gian tới.

 Cán bộ UBND quận Gò Vấp, TP.HCM làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Cán bộ UBND quận Gò Vấp, TP.HCM làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Sắp xếp phường gắn với chính quyền đô thị

. Việc sắp xếp ĐVHC tại TP.HCM cần được đặt trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM ra sao?

+ Tôi cho rằng câu chuyện sắp xếp ĐVHC phường hay bất cứ ĐVHC lãnh thổ cấp nào phải luôn được tiến hành trước và là tiền đề cho việc tổ chức chính quyền địa phương, cải cách hành chính. Những việc này cần được thực hiện theo lộ trình, đồng bộ với các nội dung khác liên quan như con người, bộ máy, tài chính, đặc biệt là quy hoạch đô thị…

Việc sắp xếp lần này nếu tạo tiền đề cho một công cuộc cải cách sâu rộng chính quyền cấp cơ sở trong chính quyền đô thị TP.HCM thì sẽ là biểu hiện của xu thế đổi mới tích cực. Ngược lại, nếu đơn giản chỉ vì tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế thì cần phải có những biện giải về tính cần thiết, đồng thời phải có những bù đắp khác về chính sách để bảo đảm cân bằng và bảo đảm sự sáp nhập lần này là chính đáng.

Cụ thể, mục tiêu việc tổ chức ĐVHC phường cần hết sức minh bạch, không mâu thuẫn nhau và phải gắn liền với xu hướng xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM. Tuy nhiên, điều khó khăn là định hướng xây dựng chính quyền TP.HCM trong tương lai, sau khi kết thúc các cơ chế đặc thù là gì thì vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Vấn đề tổ chức lại ĐVHC phường lần này cần được nhìn thấy trong việc gắn liền với định hướng tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, gắn kết cũng như xảy ra tình trạng luẩn quẩn giữa hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ là tổ chức ĐVHC lãnh thổ và tổ chức chính quyền.

Theo tôi, việc chia tách hay sáp nhập các phường vốn dĩ là việc của địa phương. Với chính quyền đô thị tự chủ như TP.HCM thì việc Trung ương áp các con số về cơ học cho TP là điều rất khó thực hiện…

Bởi cơ quan phải đối diện với những rủi ro, chịu trách nhiệm trong các cải cách ở địa phương và phải trả lời với dân chính là địa phương. Do đó, trong công tác sáp nhập này, điều cần nhất là TP.HCM phải có sự chủ động và phải được trao quyền tự chủ nhất định, cần được thoát ly phần nào những con số rất cơ học tại Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính vì vậy, TP.HCM cần được chủ động về cách làm, chủ động về phương án sắp xếp để tránh làm rạn nứt hay có những xáo trộn quá lớn.

 Chuyên gia cho rằng TP.HCM cần được chủ động về cách làm, chủ động về phương án sắp xếp để tránh làm rạn nứt hay có những xáo trộn quá lớn. Ảnh: THUẬN VĂN

Chuyên gia cho rằng TP.HCM cần được chủ động về cách làm, chủ động về phương án sắp xếp để tránh làm rạn nứt hay có những xáo trộn quá lớn. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM cần chủ động trong sắp xếp

. Vậy để hạn chế những xáo trộn lớn trong cả hệ thống chính trị cấp cơ sở, TP.HCM cần làm gì?

+ Trước hết, chính quyền TP.HCM cần có một đề án hoàn chỉnh, toàn diện về việc sáp nhập. Đề án này ngoài phương án sắp xếp thì còn có những dự liệu, rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra. Đi kèm đó là phương án xử lý để bảo đảm quá trình triển khai không bị tắc nghẽn hay gián đoạn.

Đặc biệt, theo tôi, TP cần tính toán và cân nhắc kỹ phương án, giải pháp ở những khâu có liên quan trực tiếp đến dân cư. Mục tiêu hàng đầu là làm sao việc sáp nhập lần này không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân. TP.HCM cũng cần thực hiện tốt việc công khai các phương án sắp xếp, càng rõ ràng, minh bạch thì hiệu quả mang lại về kinh tế - chính trị - xã hội càng cao.

Song song đó là tuyên truyền để người dân biết được thông tin cũng như những giá trị mang lại của việc sáp nhập, những khó khăn tất yếu phải gặp… để người dân biết và ủng hộ. Và hơn tất cả, người dân có quyền được biết về những thay đổi nơi lãnh thổ mình sống, về chính quyền của mình và những lý do của những thay đổi đó.

Với TP.HCM, việc tổ chức lại ĐVHC phường không khó, khó là phải thực hiện theo các quy định của Trung ương. Do đó, Trung ương cần có chính sách tháo gỡ vấn đề này, bằng việc trao quyền tự chủ, chủ động cho TP.HCM trong tổ chức lại ĐVHC phường. Trung ương chỉ cần đưa ra mục tiêu sáp nhập, còn lại nhập, tách thế nào, lộ trình ra sao, phương án thực hiện… nên để TP.HCM được chủ động tổ chức dựa trên thực tế.

Từ tổng thể các quy định hiện nay về chính quyền đô thị TP.HCM, việc trao sự chủ động cho TP trong tổ chức lại đơn vị phường là chính đáng, đồng bộ, tương thích với xu hướng tổ chức chính quyền đô thị TP.

. Xin cảm ơn bà.

Nguy cơ chia tách, sáp nhập cơ học?!

Thách thức cho việc tổ chức lại chính quyền cấp cơ sở lần này là rất lớn và cũng rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi được đặt ra ở cả Trung ương lẫn địa phương thì mới có thể thành công, hạn chế phần nào sự xáo trộn tất yếu phải có.

Ngoài những thách thức đặt ra mang tính bề mặt như cần có phương án giải quyết một cách khoa học các vấn đề về tổ chức lại nhân sự; nguy cơ gây xáo trộn tạm thời đời sống người dân do thay đổi tên gọi nơi sinh sống, làm việc; vấn đề quá tải do dân số lớn hay tổ chức lại bộ máy… thì những vấn đề mang tính vĩ mô, lâu dài mới là những điều cần đối diện, đặt ra và dự liệu.

Tôi cũng đặt vấn đề là khi sáp nhập số lượng lớn các phường dựa trên những tiêu chuẩn về diện tích, dân cư do Trung ương đưa xuống liệu có dẫn đến việc chia tách và sáp nhập cơ học không. Và sự cơ học này có dẫn đến làm rạn nứt các chuỗi và hệ sinh thái đô thị đã được hình thành vững chắc qua thời gian dài không.

Theo tôi, nếu việc chia tách cơ học dựa trên diện tích, dân số sẽ dẫn tới sự phá vỡ cấu trúc tự nhiên rất vững chắc và mang đậm tính chuyên môn hóa về kinh tế, dịch vụ, dân cư, mà sự chuyên môn hóa này vốn là xu thế phát triển tự nhiên được bảo hộ của hầu hết đô thị tiến bộ trên thế giới.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-sap-xep-80-phuong-o-tphcm-voi-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-post799670.html