Gần Tết lại lo rác thải đô thị

Tình trạng xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân, nhất là khi họ dọn dẹp nhà cửa đón Tết, khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM rất ô nhiễm, nhếch nhác

Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân TP HCM tất bật dọn dẹp nhà cửa đón năm mới. Tuy nhiên, hoạt động này lại kéo theo nỗi lo về rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải cồng kềnh.

Rác chất thành đống

Ghi nhận ngày 21-1 cho thấy trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, rác thải sinh hoạt chất thành đống, tràn lan trên vỉa hè, thậm chí cả lòng đường.

Một đoạn vỉa hè đường Lý Chính Thắng, quận 3 ngổn ngang túi rác lớn nhỏ. Dọc tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều nơi rác thải chất đống với đủ loại, từ gương vỡ, vali cũ, đến chăn nệm, quần áo... khiến khu vực vốn đông đúc xe cộ qua lại này rất nhếch nhác.

Anh Nguyễn Quốc Việt - ngụ quận 10, thường xuyên đi làm ngang đường Hoàng Sa - băn khoăn: "Rác thải ở đây đã tồn tại từ lâu nhưng gần Tết thì tăng lên nhiều hơn. Các vật dụng cồng kềnh như bàn ghế, nệm, thùng hàng... cũng bị đem đến đây vất bỏ. Khu vực này vừa mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe vừa làm xấu cảnh quan đô thị".

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên đường Hùng Vương, đoạn gần vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa, quận 5. Cơ quan chức năng đã đặt vách ngăn ở đây cùng bảng cấm xả rác ghi rõ mức phạt 3-5 triệu đồng. Thế nhưng, rác sinh hoạt lẫn đồ nội thất cũ, thiết bị hỏng, thậm chí hoa héo... vẫn vứt đầy vỉa hè.

Đường Nguyễn Biểu đoạn gần cầu Chữ Y ở quận 5 cũng đầy rác. Sofa, chiếu mền, quần áo cũ, nệm mút, có cả... đồ cúng, nằm ngổn ngang. Trong khi đó, nơi này đã gắn biển "Khu vực cơ quan nhà nước - cấm xả rác dưới mọi hình thức" bên cạnh những bức tường in dòng chữ "Chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp".

Chị Lê Ngọc Lam, một người dân sinh sống gần cầu Chữ Y, ngao ngán: "Nhiều người muốn tiết kiệm chi phí xử lý rác nên sau khi dọn dẹp nhà cửa đã mang vật dụng cũ đến đây vứt tùy tiện. Nhiều trường hợp chở rác từ nơi khác đến đổ. Ngày thường đã tệ, dịp Tết thì số lượng rác còn tăng lên gấp nhiều lần. Rác không được phân loại, vừa ngổn ngang vừa bốc mùi hôi thối, nhìn thôi đã sợ".

Rác cồng kềnh vất đầy một đoạn đường Hùng Vương, quận 5, TP HCM

Rác cồng kềnh vất đầy một đoạn đường Hùng Vương, quận 5, TP HCM

Rác chất thành đống ở nhiều nơi trên vỉa hè đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM

Rác chất thành đống ở nhiều nơi trên vỉa hè đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM

Tăng cường tuyên truyền, xử phạt

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho thấy hiện nay, thành phố có khoảng 9.800 - 10.500 tấn rác thải rắn mỗi ngày. Trong đó, rác thải cồng kềnh chiếm khoảng 20% và dịp cận Tết, lượng rác thải cũng tăng nhiều hơn.

Từ tháng 9-2020, UBND TP HCM đã giao trách nhiệm cho các công ty dịch vụ công ích quận, huyện tổ chức cung cấp dịch vụ thu gom rác thải cồng kềnh. Người dân có thể tiếp cận các dịch vụ này qua các đường dây liên lạc và được hướng dẫn cụ thể. Chi phí xử lý rác được xác định dựa theo thỏa thuận giữa người dân và đơn vị cung ứng dịch vụ.

Hiện nay, TP HCM có nhiều công ty chuyên hoạt động thu gom và xử lý rác cồng kềnh, như Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố. Công ty này quản lý 4 trạm trung chuyển chất thải lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm đúng tiêu chuẩn môi trường, sẵn sàng xử lý rác thải cồng kềnh.

Người dân có nhu cầu có thể liên hệ, trao đổi chi phí thu gom, xử lý rác cồng kềnh qua số điện thoại (028) 38 208 666, (028) 38 206 550 hoặc email: citenco@citenco.com.vn.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định. Theo đó, cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần. Người vi phạm nếu gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục.

Luật sư Tuấn cho rằng vào các dịp lễ, Tết, lượng rác thải sinh hoạt tăng vọt nhưng cách xử lý vẫn chưa có sự cải tiến. Hiện tại, công nghệ xử lý rác ở thành phố vẫn không có nhiều đổi mới. Rác thải chủ yếu được chôn lấp, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thứ phát. Đến nay, thành phố vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào được đưa vào vận hành.

Ông Tuấn gợi ý: "TP HCM cần tiến hành phân loại rác, tái chế và đầu tư vào công nghệ xử lý hiện đại hơn. Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao ý thức của người dân. Vứt rác bừa bãi đã trở thành thói quen của không ít người. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường. Các hoạt động tuyên truyền phải thực tế và gần gũi với người dân".

Luật sư Tuấn cũng cho rằng những người tham gia tuyên truyền cần làm gương trong việc bảo vệ môi trường, như phân loại rác và lắng nghe ý kiến đóng góp từ người dân. Chính quyền nên vận động các gia đình đặt thùng rác trước nhà, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường vừa tạo cảnh quan đẹp hơn...

Trước tình trạng rác thải ở TP HCM gia tăng dịp cận Tết, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và người dân.

Cơ quan chức năng nên đưa ra biện pháp quyết liệt, xử lý triệt để hành vi xả rác và nâng cao nhận thức cộng đồng qua tuyên truyền. Khi mỗi cá nhân đều có ý thức và hành động đúng, môi trường mới có thể xanh - sạch - bền vững.

Bài và ảnh: ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gan-tet-lai-lo-rac-thai-do-thi-196250122202103661.htm