Gan, thận sẽ ra sao nếu cơ thể không đủ nước?

'Có nước là có sự sống' - câu nói này đúng với mọi sự vật trong tự nhiên, bao gồm cả con người.

 Ta có thể xem nước là chất bôi trơn đường tiêu hóa để lưu thông trơn tru. Ảnh: Pexels.

Ta có thể xem nước là chất bôi trơn đường tiêu hóa để lưu thông trơn tru. Ảnh: Pexels.

"Có nước là có sự sống" - câu nói này đúng với mọi sự vật trong tự nhiên, bao gồm cả con người. Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, cần thiết cho sức khỏe và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng. Lượng nước mỗi người cần uống sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng, thể trạng, điều kiện môi trường.

Vai trò của nước đối với cơ thể

Điều hòa thân nhiệt

Khi trời nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, mồ hôi bắt đầu tiết ra để thực hiện vai trò làm mát nhằm hạ thân nhiệt. Nếu uống quá ít nước, bạn sẽ không có đủ nước để tản nhiệt cho cơ thể, có thể tăng thân nhiệt và bị các trạng thái như choáng váng, chóng mặt và sốc nhiệt đến ngất xỉu…

Đào thải độc tố và ngăn ngừa nguy cơ ung thư

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta đều nạp vào rất nhiều loại thức ăn. Nước uống và những loại thực phẩm này đều tiềm ẩn nguy cơ chứa các chất độc hại. Nước khi đi vào cơ thể sẽ thẩm thấu vào sâu bên trong tế bào để lấy đi các chất độc tố đang tồn đọng và đào thải chúng ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, nước còn kết hợp với các phân tử oxy giúp vận chuyển chất dinh dưỡng đi nuôi tế bào và loại bỏ gốc tự do gây hại. Sử dụng các loại nước detox còn giúp bạn tránh xa được các nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột, gan, đại tràng...

Giảm mệt mỏi

Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nguy cơ cao là bạn đã không uống đủ lượng nước mỗi ngày. Điều đó có thể làm cho những chức năng trong cơ thể bạn không hoạt động tốt nhất.

Mệt mỏi là dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu nước. Khi cơ thể không được cung cấp nước đầy đủ, chúng có thể gây ra tình trạng tụt huyết áp, đột quỵ và đau tim.

Điều trị chứng nhức đầu và đau nửa đầu

Nếu bạn có triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu, việc đầu tiên có thể làm là uống thật nhiều nước. Trong một kết quả nghiên cứu được xuất bản trên tờ Thần kinh học của châu Âu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc uống nhiều nước có thể làm giảm thời gia và cường độ của cơn đau đầu.

 Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, cần thiết cho sức khỏe và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng. Ảnh: Shutterstock.

Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, cần thiết cho sức khỏe và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng. Ảnh: Shutterstock.

Tiêu hóa nhanh và chữa táo bón

Ruột cần có nước để đẩy thức ăn đi nhanh. Riêng ruột già cần có nước để đẩy phân đi. Ta có thể xem nước là chất bôi trơn đường tiêu hóa để mọi thứ lưu thông trơn tru.

Nếu thiếu nước, phân đọng lại ở ruột già và khô đi làm chúng ta bị rối loạn, gọi là táo bón. Khi bị táo bón, chất độc bị kẹt trong ruột già sẽ ngấm ngược trở lại vào máu gây nhiễm độc. Do đó, bạn cần phải uống đủ nước để không bị táo bón.

Giảm cân

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng uống 2 ly nước trước bữa ăn có thể giúp chống lại sự thèm ăn và hỗ trợ hiệu quả cho việc giảm cân. Hơn thế, uống nhiều nước còn giúp cơ thể đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Loại bỏ độc tố

Nước là một loại "thuốc giải độc" rất tốt khi giúp lọc rửa các chất thải qua mồ hôi và nước tiểu. Nước cũng thúc đẩy chức năng của thận và làm giảm nguy cơ bị sỏi thận bằng cách hòa tan muối và khoáng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng không nên uống quá nhiều nước mỗi ngày vì sẽ làm giảm khả năng lọc các chất thải của thận.

Uống bao nhiêu nước là đủ?

Để tính chính xác lượng nước cần uống một ngày với điều kiện thể trạng bình thường, không hoạt động nhiều, bạn có thể dựa vào công thức sau:

Lượng nước cần uống (lít) = [cân nặng (kg) x 2,205] x 0,5 : 33,8

Ví dụ, bạn nặng 50 kg thì lượng nước cần uống một ngày sẽ khoảng 1,6-1,7 lít nước.

Đối với những người tham gia thể dục thể thao hoặc làm việc ngoài trời, lượng nước cần uống sẽ được tính theo công thức sau:

Lượng nước cần uống (lít) = [số phút luyện tập (p) : 30] x 12 : 33,8

Công thức trên chỉ để khẳng định rằng không phải lúc nào uống 2 lít nước mỗi ngày cũng đúng. Lượng nước này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng, thể trạng, điều kiện môi trường. Chính vì vậy, bạn hãy lắng nghe cơ thể mình để bổ sung lượng nước sao cho phù hợp.

 Không phải lúc nào uống 2 lít nước mỗi ngày cũng đúng. Lượng nước này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng, thể trạng, điều kiện môi trường. Ảnh: Freepik.

Không phải lúc nào uống 2 lít nước mỗi ngày cũng đúng. Lượng nước này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng, thể trạng, điều kiện môi trường. Ảnh: Freepik.

Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu nước?

Thiếu nước ở mức độ nhẹ, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, tăng sự lo lắng, chuột rút, đau khớp, mắt trũng, da nhăn nheo.

Trường hợp nặng hơn, bạn có thể bị sốt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh...

Bên cạnh đó, bạn có thể gặp những tác hại khác khi cơ thể thiếu nước:

Trao đổi chất chậm lại: Một nghiên cứu tìm thấy rằng nếu uống đủ nước sẽ làm tăng tỷ lệ trao đổi chất lên 30%, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tăng cảm giác đói: Khi mất nước, cơ thể sẽ lẫn lộn với cảm giác no - đói khiến bạn ăn khi không cần thiết.
Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt cơ thể: Khi thiếu nước, cơ thể sẽ tăng khả năng giữ nhiệt và giảm khả thích nghi với môi trường có nhiệt độ quá cao.
Vấn đề tiêu hóa: Cơ thể thiếu nước gây tình trạng táo bón.
Mệt mỏi và tăng đường huyết: Cơ thể bạn cần nước để pha loãng hay tiêu hóa đường. Nếu bạn bị tiểu đường kèm theo cơ thể thiếu nước, điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu nước

Để nhận biết được cơ thể có đang bị thiếu nước hay không, bạn có thể căn cứ vào một số dấu hiệu dưới đây:

Đi tiểu ít: Thông thường, một người khỏe mạnh sẽ đi tiểu khoảng 6-7 lần/ngày. Nếu bạn đi tiểu dưới 2-3 lần/ngày hoặc không buồn tiểu trong nhiều giờ liền, đây chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu nước.

Da khô: Da khô ngay cả khi bạn dùng các loại kem dưỡng ẩm cũng là một dấu hiệu cảnh báo rằng đang uống thiếu nước.

Đau nhức đầu: Nếu cảm thấy đau đầu nhiều hơn với mọi tư thế chuyển động, ví dụ như khi cúi gập người, đi lên đi xuống cầu thang hoặc vận động mạnh..., cơ thể bạn có thể đang không đủ nước.

Khô họng: Ít nước bọt, khô miệng, họng cũng là dấu hiệu của việc thiếu nước.

Nước tiểu có màu vàng sậm: Thậm chí chúng còn có thể xuất hiện màu nâu sẫm, đục...

Mất vị giác: Thiếu nước có thể khiến bạn mất vị giác, ăn uống không ngon miệng.

Hoa mắt, ù tai, choáng: Triệu chứng này do máu lưu thông kém từ thiếu nước.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thoa

Khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-toi-te-gi-xay-ra-khi-uong-qua-it-nuoc-post1504441.html