Gần tới ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước có xu hướng tăng
Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) năm 2024 rơi vào thứ Hai, 19/2 dương lịch. Dịp này, giá vàng trong nước có xu hướng đi lên do nhu cầu mua của người dân tăng cao. Tính đến trưa ngày 16/2, giá vàng miếng trong nước đang ở mức gần 79 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tiến sát mức 79 triệu đồng/lượng
Tính đến trưa ngày 16/2/2024, giá vàng miếng trong nước được niêm yết cụ thể như sau:
(Đơn vị: Nghìn đồng/lượng)
Giá vàng trong nước đảo chiều tăng vọt sau khi giảm khá mạnh trong phiên giao dịch trước.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào ở mức 76,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 78,82 triệu đồng/lượng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá mua vào tương tự 2 khu vực trên, giá bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 76,55 triệu đồng/lượng mua vào và 78,75 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 76,95 triệu đồng/lượng mua vào và 78,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Phú Quý SJC đang mua vào với giá 77 triệu đồng/lượng và bán ra mức 78,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 77 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 78,75 triệu đồng/lượng.
Giá kim loại thường tăng cao hơn vào dịp vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm). Cùng với đó, chênh lệch giá vàng vào ngày vía Thần Tài cũng thường bị đẩy lên cao hơn so với những phiên giao dịch khác.
Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài, đem tài lộc may mắn cho gia chủ. Vị thần này sẽ mang lại nhiều may mắn, giúp cho công việc làm ăn của gia chủ trong năm sẽ được tiến hành một cách thuận lợi, ít gặp trở ngại.
Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện về vị Thần Tài trong một lần uống rượu say, lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.
Một hôm, ông được một người bán hàng mời vào quán ăn, từ lúc ông vào quán của người này, quán trở nên tấp nập. Sau đó do người ông có mùi hôi thối, sợ mất hết khách, vị chủ quán liền đuổi ông đi.
Một người chủ khác thấy từ lúc ông bước vào quán kia thấy đông một cách lạ thường liền mời ông sang quán mình ăn. Lúc ông sang quán này, quán bên kia lại vắng vẻ. Do thương ông không có gì để mặc, người dân đã mua cho ông một bộ quần áo mới để ông có thể mặc che chắn cơ thể của mình.
Kỳ lạ thay, bộ quần áo ấy lại chính là bộ quần áo trước kia của ông. Sau khi mặc bộ quần áo vào, Thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10 tháng Giêng nên từ đó mọi người lấy ngày này là ngày vía Thần Tài.
Một phong tục không thể thiếu trong ngày vía Thần Tài là việc mua vàng. Người ta tin rằng mua vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho cả năm.
Còn đối với người kinh doanh, đây là dịp để thể hiện ước muốn công việc làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc. Nhiều người còn cho rằng mùng 10 tháng Giêng là thời điểm con người sẽ được “đổi vía”, lấy hên cho năm mới. Do đó, các cửa hàng vàng bạc mùng 10 tháng Giêng âm lịch thường rất đông đúc và nhộn nhịp.
Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam. Trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và giữ tiền an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình đều có một vài chỉ vàng đề phòng khi cần chi tiêu.
Nguồn: tổng hợp