Gần với cơ thể hơn cả iPhone nhưng món đồ Apple này lại tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe
Nghiên cứu cho thấy mặc dù thiết bị này luôn nằm sát với cơ thể chúng ta nhưng hầu như mọi người đều không có thói quen vệ sinh nó.
Bạn đã từng đeo Apple Watch vào ban đêm để thiết bị này tiếp tục theo dõi giấc ngủ của mình hay chưa? Có thể nói bên cạnh iPhone, đây có thể là món đồ Apple bạn duy trì gần với cơ thể mình nhất và cũng là lâu nhất.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Advances in Infectious Diseases, các dây wristband (dây đeo cổ tay) nói chung bao gồm cả Apple Watch là nơi hoàn hảo để các vi khuẩn như Staphylococcus* và E. coli** sinh sôi.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Florida Atlantic (FAU) đã thử nghiệm các dây wristband từ nhiều loại vật liệu bao gồm nhựa, cao su, vải, da và kim loại, để xác định vật liệu nào chứa nhiều vi khuẩn nhất.
Kết quả là 95% dây wristband mà họ thử nghiệm chứa một số loại vi khuẩn nguy hiểm trong đó 85% chứa Staphylococcus và 60% chứa E. coli.
Nguy hiểm hơn là 30% xét nghiệm dương tính với Pseudomonas, một loại vi khuẩn kháng kháng sinh có liên quan đến nhiễm trùng huyết và viêm phổi.
Vật liệu mà vi khuẩn tập trung cao nhất đó là dây vải, tiếp theo là nhựa, cao su và cuối cùng là da. Các dây đeo kim loại là loại mang ít vi khuẩn nhất, đặc biệt nếu chúng được chế tác bằng kim loại quý như vàng và bạc.
Bên cạnh vải, nhựa và cao su đặc biệt nhiều vi khuẩn vì cấu tạo xốp của chúng thực sự thu hút và là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển.
Điểm đặc biệt nữa là do mọi người thường đeo các smartwatch (đồng hồ thông minh) như Apple Watch tới phòng gym nên chúng có số lượng vi khuẩn cao hơn nhiều so với những smartwatch của người không tập.
Và nguyên nhân chính để các ổ vi khuẩn này phát triển rất đơn giản, đó là đa phần chúng ta thường không vệ sinh chúng. Có thể ví dụ như những gì Nadine de Vries, một người đeo Apple Watch gần như hàng ngày kể từ khi mua (2019) chia sẻ với The Washington Post:
"Tôi hiếm khi làm sạch nó. Có lẽ tôi đã rửa dây đeo bằng nước xà phòng và lau bên trong các chốt vào khoảng 2 lần mỗi năm".
Được biết nghiên cứu nói trên là nhằm nhắc nhở các nhân viên y tế rằng họ nên khử trùng các dây wristband để tránh được các nguy cơ đến từ vi khuẩn.
Làm sạch Apple Watch thế nào cho đúng cách?
Tới đây có thể bạn đang tự hỏi rằng làm sạch dây đeo Apple Watch thế nào cho đúng cách. Đừng lo lắng vì nghiên cứu nói trên cũng làm sáng tỏ điều đó.
Các bình xịt khử trùng Lysol và cồn ethanol (cồn y tế) 70% đều có tỷ lệ tiêu diệt trên 99,99% vi khuẩn bất kể chất liệu của dây đeo.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng mặc dù giấm thường là lựa chọn mà nhiều người hướng tới, nhưng nó gần như không có tác dụng đối với một số chủng vi khuẩn Staphylococcus.
Cư trú chủ yếu trên da và màng nhầy của con người và hầu như không gây bệnh nhưng nếu Staphylococcus xâm nhập sâu vào máu có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, nguy hiểm cho tính mạng.
**E. coli hay Eschrichia coli là vi khuẩn kỵ khí hình que gram âm. Đa phầncác chủng E. coli đều vô hại, nhưng một số trong chúng có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.