Gánh cỏ đêm giao thừa

Có năm đêm 30 Tết mưa phùn lạnh căm căm, đôi bàn chân Giao Chỉ của bà bấm xuống mặt đê thành vết, đầu gối khuỵu xuống vì gánh cỏ ướt nặng trĩu nhưng bà vẫn cố gắng kịp về đúng thời khắc giao thừa. Ngoài sân tiếng pháo nổ đì đùng, bà vẫn lúi húi trong chuồng trâu, thả từng đọt cỏ vào máng, nghe tiếng trâu nhai giòn tan bôm bốp.

Tối 30 Tết, lùa xong đàn gà vào chuồng, bà quẩy gánh đi dọc triền đê hun hút gió. Gió lạnh từ biển thổi vào thi thoảng lại rít lên từng cơn, quất rát mặt người. Những sợi dây thừng bện vào đôi quang gánh cũ như chùng xuống vì đã gồng gánh số phận của những người đàn bà nhà quê quanh năm.

Ảnh: Bui Viet Hung

Ảnh: Bui Viet Hung

Cầm trên tay chiếc bùi nhùi được làm bằng rơm khô còn thơm mùi nếp cái, năm nào cũng vậy, cứ tối 30 Tết bà lại quẩy gánh lên đường. Người làng nhìn bà, ai cũng ái ngại. Cả năm, cả đời làm lụng, tết đến …đít rồi sao vẫn khổ thế? Những tiếng thở dài buồn thườn thượt, dài lê thê như đêm cuối năm cố để bà nghe nhưng không đủ sức níu chân bà ở nhà với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành.

Đêm cuối năm, tiếng côn trùng thổn thức gọi bạn tình trong bóng đêm lắng xuống nghe bước chân người đàn bà đi về phía những vạt cỏ đang nảy mầm sinh sôi. Thi thoảng, tiếng pháo nổ đì đùng như báo hiệu thời khắc giao thừa sắp đến. Mặc kệ, bà vẫn bỏ lại phía sau cái làng chài bé nhỏ, một mình lọt thỏm vào bóng đêm đi về phía cuối đường đê.

Năm nay, nghé con vừa chào đời đã khát sữa. Mẹ nó đẻ lứa thứ 6, trở thành “mẹ già nuôi con mọn”. Mất mùa khiến thân cây ngô, cây rơm không còn để làm thức ăn khiến trâu mẹ gầy rạc đi. Bầu sữa nó com rúm lại như một nhúm rẻ rách, hai mạng sườn trơ ra. Đêm nào nghé con cũng rống lên vì khát sữa. Chuồng trại trống hoác, trống huơ, đêm đêm gió rít lên từng cơn tràn vào lạnh đến bong tróc cả móng chân của nó. Bà lấy bì gai, vỏ bao xi măng vá chằng vá đụp thành những bộ quần áo Tết cho trâu. Cả nhà ai cũng buồn cười vì lần đầu tiên nhìn thấy trâu đội nón, trâu mặc quần áo. Không ai hiểu được bà, ngay cả việc vì sao cứ tối 30, bà lại quẩy gánh ngược gió, xuyên đêm đi cắt cỏ.

“Con trâu cũng như con người. Nó còn vất vả hơn con người. Cả mẫu ruộng đặt lên vai nó. Kéo xe, đi cày quanh năm nó cũng phải được ăn Tết chứ”, cái lý của bà chỉ làm cho bọn trẻ cười thêm. Mặc cho lũ trẻ cười, năm nào bà cũng làm cái việc mà theo bà là phải làm. Vì người nông dân, không biết thương con vật là “đầu cơ nghiệp” như con trâu, con bò thì không xứng để có lúa tốt bời bời, không có bờ xôi ruộng mật.

Như để thuyết phục lũ trẻ, bà lanh lảnh đọc ca dao, rằng: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Trâu đây ta đấy ai mà quản công”. Đọc xong bà giải thích rằng, con người bỏ mặc con trâu lúc đói rét là không giữ lời hứa với nó. Nói không quản công mà bỏ mặc nó khi thóc lúa đầy bồ?

Có năm đêm 30 Tết mưa phùn lạnh căm căm, đôi bàn chân Giao Chỉ của bà bấm xuống mặt đê thành vết, đầu gối khuỵu xuống vì gánh cỏ ướt nặng trĩu nhưng bà vẫn cố gắng kịp về đúng thời khắc giao thừa. Ngoài sân tiếng pháo nổ đì đùng, bà vẫn lúi húi trong chuồng trâu, thả từng đọt cỏ vào máng, nghe tiếng trâu nhai giòn tan bôm bốp. Với bà, tiếng trâu nhai cỏ đêm giao thừa còn vui hơn cả tiếng pháo.

Ảnh: Lê Huy Tuấn

Ảnh: Lê Huy Tuấn

Năm thằng cháu đích tôn đỗ đại học, Tết về, ông nội nó nhất quyết mổ trâu ăn mừng. Bà buồn lắm! Cả đêm bà ngồi khóc như mất đi một người thân. Hàng xóm trông thấy cảnh ấy, ai cũng nghĩ bà bị lẩn thẩn. Con trâu già yếu không còn cày ruộng được nữa thì thịt. Việc đơn giản thế cũng khóc.

Tết năm ấy, bà xem như không có Tết. Đêm giao thừa tiếng con trâu bị chọc tiết rống lên một hồi rồi lăn đùng ra bãi cỏ. Máu nó loang lổ trên những lọn cỏ tươi làm thức ăn còn vương vãi. Người lái trâu được thuê đến cắt tiết dùng một chiếc búa cỡ lớn choảng tiếp một cái thật mạnh vào đầu để đảm bảo nó không còn sức xổng chuồng. Con trâu già từng cày mỗi năm một mẫu ruộng mắt trợn trắng lên lòng sọc. Chỉ mấy giờ nữa, sau tiếng pháo giao thừa, nó sẽ trở thành món chính trong một bữa tiệc có tên là Tết. Tiếng người gọi nhau í ới xẻ thịt chia phần. Bà ngồi lặng im như bóng đêm, nhìn ra ngoài trời đêm. Mùi phân trâu ngai ngái trộn lẫn mùi tiết trâu tươi ám ảnh mãi. Giao thừa những năm sau đó, nhà không còn nuôi trâu nhưng như một thói quen, năm nào bà cũng quẩy gánh đi về phía triền đê hun hút gió.

-> Nhớ lắm Tết quê!

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ganh-co-dem-giao-thua-d188385.html