Gánh nợ sinh viên, nhiều người Mỹ không dám kết hôn hay du lịch

Khoản nợ sinh viên đang tạo gánh nặng cho nhiều người Mỹ, gây căng thẳng cho sức khỏe tinh thần, buộc họ phải trì hoãn các sự kiện quan trọng trong đời, bao gồm cả kết hôn.

 Khoản nợ sinh viên đã tạo gánh nặng cho nhiều người Mỹ. Ảnh: Getty.

Khoản nợ sinh viên đã tạo gánh nặng cho nhiều người Mỹ. Ảnh: Getty.

Một cuộc khảo sát do chương trình giáo dục trực tuyến ELVTR (Mỹ) thực hiện cho thấy việc Tổng thống Mỹ Biden hủy bỏ khoảng 2% khoản vay nợ sinh viên đã ảnh hưởng tích cực đến 3,7% người - nhiều hơn bất kỳ chính quyền tổng thống nào trước đây trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng cộng, chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép xóa số nợ 32 tỷ USD. Ngoài ra, theo kế hoạch được công bố vào tháng 8, ông sẽ hủy khoản nợ 10.000 USD cho những người thuộc tầng lớp trung lưu và lao động. Người thuộc các gia đình có thu nhập thấp được nhận trợ cấp Pell cũng được xóa nợ 20.000 USD.

Tuy nhiên, trung bình, một sinh viên theo học tại một trường đại học công lập ở Mỹ phải vay 32.880 USD để lấy bằng cử nhân, theo Dữ liệu Giáo dục Mỹ.

“Trong khi đó, học phí đại học tiếp tục tăng nhanh hơn lạm phát, tình hình vay nợ của sinh viên đang trở nên tồi tệ hơn”, Roman Peskin, người sáng lập và CEO của ELVTR, nói với CNBC Make It.

Đa số người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn trong việc chi trả. Gần 2/3 số người được hỏi hầu như không đủ khả năng hoặc hoàn toàn không có khả năng thanh toán khoản vay. Trong đó, những người da đen phải đối mặt với nhiều khoản nợ nhất.

79% người Mỹ da đen và người gốc Phi hoàn toàn không có khả năng hoặc khó có khả năng thanh toán các khoản vay. Gần 70% phụ nữ được hỏi cũng gặp khó khăn hoặc không thể đáp ứng chi phí trả các khoản vay của họ.

Trì hoãn việc lập gia đình do nợ sinh viên

Khoản vay nợ sinh viên tiếp tục tạo gánh nặng khi gây căng thẳng cho sức khỏe tâm thần, buộc nhiều người phải trì hoãn các sự kiện quan trọng trong cuộc sống.

Trong số 2.000 người Mỹ tham gia cuộc khảo sát của ELVTR, 63% người Mỹ vẫn đang vật lộn với các khoản nợ vay từ hồi sinh viên. Trong đó, 54% người được hỏi nói rằng họ gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, liên quan trực tiếp đến khoản nợ đó.

Cuộc khảo sát phát hiện lo lắng là tình trạng sức khỏe tâm thần đa số người vay nợ mắc phải. Một số người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Trong khi đó, khoảng 1/5 phải chịu đựng những đêm mất ngủ và các cơn hoảng loạn.

Con số thống kê cụ thể là 56% người cảm thấy lo lắng, 32% người có dấu hiệu trầm cảm, 20% người bị mất ngủ, 17% người bị hoảng sợ và 10% gặp các vấn đề về tinh thần khác.

Ngoài ra, hơn 80% người tham gia khảo sát cho rằng khoản vay nợ sinh viên đã làm trì hoãn những sự kiện lớn trong cuộc đời họ. 1/3 số người đã đã trì hoãn việc lập gia đình, hơn một nửa đã gác lại kế hoạch tiết kiệm hoặc đi du lịch, hơn 60% đã tạm dừng các khoản mua sắm lớn.

 Nhiều người Mỹ hối hận vì đã học đại học. Ảnh: Investing.

Nhiều người Mỹ hối hận vì đã học đại học. Ảnh: Investing.

Hối hận vì đã học đại học

Cũng theo nghiên cứu của ELVTR, gần 60% người Mỹ không hài lòng với lựa chọn vay tiền để trang trải cho việc học đại học. Họ hối tiếc và nghi ngờ, cho rằng đây là khoản đầu tư không đáng giá. Chỉ 41% tin rằng đây là một khoản đầu tư tốt.

Thu nhập không như mong đợi có thể là nguyên nhân. Mặc dù mức lương tới hàng chục nghìn USD, những người có khoản vay nợ vẫn không đảm bảo được nguồn thu nhập. Thực tế, ELVTR phát hiện 60% người Mỹ có trình độ học vấn cao có thu nhập ít hơn một số bạn bè của họ - những người có trình độ học vấn thấp hơn.

Ngoài ra, cơ hội dài hạn, triển vọng tương lai cũng là một nguyên nhân. Trong khi 70% số người được hỏi tin rằng người có trình độ học vấn cao có giá trị trong thị trường lao động, 50% nghi ngờ giá trị sau 10 năm nữa.

Với cảm giác hối tiếc và nghi ngờ trên, ELVTR chỉ ra chỉ 23% người Mỹ hài lòng với lựa chọn học đại học, 4% lựa chọn chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục. Trong khi đó, nếu có cơ hội, 28% người lựa chọn một lĩnh vực hoặc ngành học khác, 25% lựa chọn chi tiêu ít hơn cho giáo dục, 13% sẽ học ở một trường khác, 7% sẽ không học đại học.

Do đó, khả năng lớn, nhiều người sẽ thay đổi nghề nghiệp trong tương lai để tìm kiếm triển vọng tốt hơn. 40% đã chủ động lên kế hoạch thay đổi. Chỉ 27% có kế hoạch ở lại ngành hiện tại của họ. 1/3 khác vẫn do dự. Nhưng khi chi phí sinh hoạt tăng, những người này có khả năng lớn sẽ thay đổi.

Để thực hiện báo cáo giáo dục đại học này, các nhà nghiên cứu tại ELVTR đã khảo sát 2.000 người Mỹ từ 18 đến 67 tuổi (bao gồm tất cả giới tính và chủng tộc), đã đăng ký vào đại học và nhận một số hình thức giáo dục đại học.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ganh-no-sinh-vien-nhieu-nguoi-my-khong-dam-ket-hon-hay-du-lich-post1357922.html