Gạo muối cúng ông Táo cần xử lý thế nào?

Nhiều người băn khoăn không biết làm gì với gạo muối cúng ông Táo sau khi hoàn tất nghi lễ tiễn Táo quân về trời dịp 23 tháng Chạp.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một trong những nghi thức quan trọng nhất trước Tết Nguyên đán. Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản chuyện bếp núc mà còn đảm nhận vai trò ngăn cản ma quỷ xâm phạm, giữ gìn sự bình yên cho gia đình.

Chính vì vậy, lễ cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa sâu sắc trong việc cầu mong đời sống gia đình được ấm no, sung túc, yên ổn, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần Bếp.

Gạo muối cúng ông Táo xong nên làm gì?

Khi thực hiện lễ cúng ông Táo, gia chủ thường chuẩn bị mâm cỗ mặn hoặc mâm cỗ chay, hoa tươi, mâm ngũ quả... Bên cạnh đó, gạo - muối là hai vật phẩm không thể thiếu trong dịp này.

Vì sao cần có gạo, muối trong nhiều lễ cúng, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo? Đó là vì gạo, muối là thực phẩm thiết yếu, cơ bản nhất, được sử dụng hằng ngày; vì thế nó tượng trưng cho sự no đủ, sung túc. Việc dâng cúng 2 thứ lễ vật này vừa thể hiện sự trân trọng, thành kính vừa bày tỏ mong ước về cuộc sống ấm no.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, muối có tác dụng phòng trừ tà ma, mang lại sự bình an.

Gạo muối cúng ông Táo xong nên làm gì? Cách xử lý phổ biến nhất là đem rải trước cửa nhà hoặc xung quanh nhà với ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình.

Gạo muối cúng ông Táo xong nên làm gì? (Ảnh minh họa: istock)

Gạo muối cúng ông Táo xong nên làm gì? (Ảnh minh họa: istock)

Nhiều người đem gạo muối cúng ông Táo đốt cùng vàng mã bởi họ tin rằng sau khi cúng, hai vật phẩm này trở nên nguội lạnh, mất sinh khí, không nên dùng lại mà phải đốt đi.

Thời hiện đại, một số người sử dụng gạo, muối đã cúng như bình thường vì cho rằng dùng lại đồ cúng sẽ không hại gì. Nhiều gia đình vẫn tiếp tục để gạo và muối cúng ông Táo trong hũ đặt trên bàn thờ như một biểu tượng của ước nguyện an lành, thịnh vượng.

Những dịp lễ quan trọng cần cúng gạo và muối

Không chỉ nghi lễ tiễn ông Công ông Táo về trời mới cần cúng gạo muối, các gia đình cũng thường dâng lễ vật này trong nhiều lễ cúng quan trọng khác để xua đuổi tà khí, cầu may mắn:

Lễ cúng Giao thừa là dịp lễ quan trọng nhất trong năm nên mâm cúng cần có muối - gạo. Sau lễ, gia chủ rắc muối gạo quanh nhà để xua đuổi tà khí, cầu may mắn, bình an cho năm mới.
Lễ cúng cô hồn dịp rằm tháng 7: Theo phong tục, gạo muối này phải được rải ra ngoài để bố thí cho các cô hồn, không rải trong nhà.
Lễ giỗ tổ tiên: Muối - gạo được đặt trực tiếp lên bàn lễ, sau đó gia chủ có thể đổ hai vật phẩm này vào hũ nhỏ để trong nhà hoặc rải quanh sân, tùy quan niệm của mỗi gia đình.
Lễ cúng thần Tài: Phần lớn mọi người giữ lại muối và gạo trong hũ với ý nghĩa giữ tài lộc.
Lễ đầy tháng của trẻ em: Gia chủ thường rải muối gạo ra ngoài với ý nghĩa "mang điều lành đến, đưa điều dữ đi".
Lễ khai trương, động thổ: Gia chủ thường trộn chung muối gạo với nhau rồi rải ra ngoài để cầu mong làm ăn thuận lợi, mọi điều may mắn.

Khánh An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gao-muoi-cung-ong-tao-can-xu-ly-the-nao-ar918178.html