Gạo Việt Nam trước thách thức biến động quốc tế: Liệu có giữ vững kỷ lục?
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tỏa sáng với kỳ vọng đạt 8 triệu tấn và hơn 5 tỷ USD trong năm 2024, đánh dấu kỷ lục mới cho ngành. Tuy nhiên, sự biến động của thị trường quốc tế như Ấn Độ gỡ bỏ giá sàn xuất khẩu gạo Basmati và Indonesia mời thầu số lượng kỷ lục đang đặt ra thách thức lớn. Liệu gạo Việt sẽ duy trì được đà tăng trưởng và vị thế trên thị trường thế giới từ nay đến cuối năm?
Chính phủ Ấn Độ vừa thông báo sẽ gỡ bỏ mức giá sàn đối với xuất khẩu gạo Basmati, ngay trước thời điểm chỉ vài tuần nữa là bước vào vụ thu hoạch mới. Động thái này được dự đoán sẽ làm giảm giá gạo Basmati trên thị trường toàn cầu.
Cùng trong tháng 9, cơ quan hậu cần quốc gia của Indonesia cũng đã thông báo mở thầu 450.000 tấn gạo - mức thầu cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, Indonesia yêu cầu gạo phải có xuất xứ từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, và Pakistan, với thời gian nhận hàng trong tháng 10 và 11.
Gạo Việt có thêm cơ hội
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu không ảnh hưởng đến gạo Việt Nam, thậm chí còn tạo thêm cơ hội khi nhu cầu nhập khẩu từ Philippines tăng cao hơn so với kế hoạch ban đầu.
Theo ông Nam, nhu cầu nhập khẩu lớn từ các nước như Indonesia, Philippines và Malaysia đang mở ra nhiều cơ hội cho gạo Việt vào cuối năm. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt về phân khúc chất lượng gạo giữa Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan khiến việc Ấn Độ thay đổi chính sách xuất khẩu không gây tác động lớn đến thị trường gạo Việt Nam.
Trong tháng 7/2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 7 trong số 12 gói thầu tại Indonesia, với tổng khối lượng đạt 185.000 tấn. Indonesia hiện là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, với gần 709.000 tấn gạo được xuất khẩu trong nửa đầu năm.
Ngoài Indonesia, mới đây, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam.
Xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu 837.000 tấn gạo, thu về 502 triệu USD, dù giảm nhẹ 6% về lượng và gần 5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, mang về gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và 21,7% về giá trị so với năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, kỳ vọng ngành gạo cán mốc khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cũng dự báo, tỷ lệ các quốc gia không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới, với gần 30 quốc gia thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực để bảo vệ nguồn cung nội địa. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng giá gạo trong những tháng cuối năm có thể tăng trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Cần sự linh hoạt của doanh nghiệp và địa phương
Mặc dù đứng trước hàng loạt tín hiệu vui kể trên, giới chuyên môn vẫn lo ngại ngành gạo Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức, cạnh tranh quyết liệt.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Nam, khẳng định: "Nhu cầu lớn nên Indonesia, Philippines, Malaysia tăng nhu cầu nhập khẩu so với kế hoạch các quốc gia này đưa ra từ đầu năm. Do đó, gạo Việt càng có cơ hội mạnh dồn về cuối năm".
Ông Nam cũng đưa ra con số để so sánh, cụ thể xuất khẩu gạo 8 tháng năm nay đạt hơn 6,15 triệu tấn, mang về 3,85 tỉ USD. Trong khi sản lượng gạo theo số liệu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự kiến xuất khẩu năm 2024 khoảng 7,6 triệu tấn.
"Chỉ còn hơn 3 tháng nữa hết năm. Từ 7,6 triệu tấn theo kế hoạch, chúng ta đã xuất khẩu được 6,15 triệu tấn. Vậy còn lại khoảng 1,45 triệu tấn và đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân với giá tốt", ông Nam tính.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Ðông lưu ý, trước biến động thị trường thì chỉ số thích ứng của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng vì mỗi năm đều có một kịch bản mới và không có bài học kinh nghiệm nào từ năm trước có thể áp dụng hiệu quả cho năm sau. Gạo hiện vẫn là ngành hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam, nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này còn rất lớn. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.
Bởi trên thực tế, tại một số địa phương, dù có không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo có cơ sở xay xát, chế biến… được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn “nằm im”, không hoạt động mà có mục đích làm những dự án khác.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang nêu thực trạng trên và trăn trở, cho rằng, hiện thẩm quyền của Sở Công thương khi hậu kiểm, không được kiểm tra lại những cơ sở này.
Do đó, ông Huỳnh Ngọc Hồ đề xuất Bộ Công Thương có văn bản giao Sở Công Thương các địa phương kiểm tra, báo cáo, đề xuất đến Bộ hướng giải quyết với những doanh nghiệp không đủ năng lực trên. Tạo điều kiện cho những doanh nghiệp khác, có tiềm lực thực chất tham gia xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lượng lúa hàng hóa lớn ở tỉnh An Giang (trên 4 triệu tấn lúa/năm).
Để giải quyết vấn đề nêu trên, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi áp dụng công nghệ sản xuất để có sản phẩm có sản lượng đủ lớn và đạt tiêu chuẩn.
Cùng với đó là cần thay đổi tập quán sản xuất từ có gì bán đấy sang sản xuất hàng hóa. Người sản xuất phải trả lời được câu hỏi là làm cái gì, bán ở đâu, bán cho ai và bán giá bao nhiêu... Phải chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Cuối cùng là các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do. "Bộ Công Thương sẵn sàng giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các thương vụ Việt Nam tại 90 nước và vùng lãnh thổ. Chúng tôi cũng sẽ làm tốt hơn việc cảnh báo sớm và tham gia hỗ trợ phòng vệ thương mại", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An
Nhiều năm trở lại đây, các bộ ngành đã đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu trồng trọt, nâng cao chất lượng gạo lên. Nhờ đó, thay vì xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp, gạo Việt Nam đã ra thị trường với chủng loại, chất lượng cao hơn. Dù gạo Việt Nam có giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương
Với vị trí là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ngành gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, từ thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu, khuynh hướng giá cả tới biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu,… Cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Do đó rất cần thiết, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp gạo trong hoạt động nghiên cứu, bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngành lúa gạo đang hướng đến mục tiêu chất lượng, tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Mới đây, qua sơ kết 7 mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy năng suất lúa vụ Hè thu 2024 đạt 6,452 tấn/ha, cao hơn việc sản xuất bên ngoài mô hình là 0,463 tấn/ha; lợi nhuận mà nông dân tham gia mô hình cũng cao hơn từ 4-7,6 triệu đồng/ha so sản xuất bên ngoài. Đây chính là hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo trong nước.