Gạo Việt Nam xuất khẩu với mức giá thấp kỷ lục

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đạt mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024.

Sự sụt giảm này phản ánh rõ nét bối cảnh cung cầu toàn cầu, khi Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025.

Ấn Độ đang trên đà đạt sản lượng kỷ lục 119,93 triệu tấn trong vụ Kharif 2024/25, tăng 5,89% so với năm trước. Đồng thời, dự trữ gạo của nước này cũng tăng mạnh, đạt 44,08 triệu tấn vào đầu tháng 11/2024, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Lượng dự trữ này vượt xa yêu cầu dự trữ đệm và tạo điều kiện để Ấn Độ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn gia tăng xuất khẩu, gây áp lực cạnh tranh lên các nước xuất khẩu gạo, bao gồm Việt Nam.

Gạo Việt Nam đang mất giá.

Gạo Việt Nam đang mất giá.

Bên cạnh đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã giảm mạnh. Hiện tại, gạo 5% tấm chỉ còn 485 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới. Theo báo chí Philippines, lượng dự trữ gạo tại nước này đang dư thừa và phải bán ra thị trường với giá thấp để tránh hư hỏng. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác giữa Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ nhằm tạo sân chơi bình đẳng về giá cũng gây áp lực lên gạo Việt Nam.

Trong nước, giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cũng biến động giảm. Tại An Giang, giá gạo IR 50404 giảm 100 đồng, dao động từ 9.100-9.200 đồng/kg; gạo OM 5451 giảm xuống còn 8.300-8.500 đồng/kg. Lượng giao dịch chậm tại nhiều địa phương, phản ánh tâm lý thị trường thận trọng khi giá tiếp tục giảm nhẹ.

Năm 2024 khép lại với thành tích xuất khẩu ấn tượng của ngành gạo Việt Nam, đạt giá trị khoảng 5,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo sẽ khó khăn hơn khi Ấn Độ quay lại thị trường với mục tiêu xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Thị trường nhập khẩu lớn như Indonesia và Trung Quốc cũng có xu hướng giảm nhập khẩu gạo.

Để đối phó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, khuyến nghị các ngân hàng hỗ trợ vay vốn và ngành thuế nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiềm năng và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho doanh nghiệp.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao, đồng thời chuyển đổi cơ cấu trồng lúa kết hợp với các mô hình nông nghiệp bền vững như lúa-tôm, lúa-cá.

Về phía các doanh nghiệp, chiến lược linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định. Dù giá xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung toàn cầu tăng, nhưng gạo Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh nếu giữ vững tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn.

T.L

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gao-viet-nam-xuat-khau-voi-muc-gia-thap-ky-luc-1104372.html