Vẫn chưa ngã ngũ phương án quản lý kinh doanh xăng dầu

Sau nhiều phiên bản và nhiều cuộc họp lấy ý kiến cũng như họp với Chính phủ, đến nay, câu chuyện 'quyết' phương án nào cho quản lý kinh doanh xăng dầu vẫn chưa ngã ngũ.

Vẫn chưa ngã ngũ các phương án quản lý kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa).

Vẫn chưa ngã ngũ các phương án quản lý kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa).

Mới đây, báo cáo tại cuộc họp của Chính phủ về ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới, thay thế cho toàn bộ các nghị định hiện hành, Bộ Công Thương cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến, nhất là các ý kiến có nội dung khác nhau, Bộ Công Thương đã chính thức trình phiên bản dự thảo mới, có đưa ra các đề xuất mà nhiều bên đã kiến nghị.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án về việc mua bán của thương nhân phân phối (TNPP), bao gồm được mua bán lẫn nhau và không được mua bán lẫn nhau.

Tuy nhiên, trả lời Báo PLVN, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết, Bộ Công Thương đưa ra các phân tích cho 2 phương án nhưng vẫn nghiêng về lựa chọn phương án “cấm TNPP mua bán lẫn nhau”.

Ông Bảo khẳng định, Hiệp hội vẫn theo quan điểm kiên trì kiến nghị không nên cấm TNPP mua bán lẫn nhau. Không chỉ Vinpa, nhiều Bộ, ngành, cơ quan khác cùng các doanh nghiệp cũng cho rằng không nên cấm mua bán lẫn nhau, mà để cho các TNPP tiếp tục được mua bán lẫn nhau như quy định hiện hành. Hiện vấn đề này vẫn chưa “ngã ngũ” để có thể quyết được nên chọn phương án nào.

“Thực tế, giữa quản lý và thực tế cũng có những độ vênh nhất định. Tôi cho rằng, từ giác độ quản lý, muốn đặt ra các điều kiện để quản lý sẽ nghiêng về các biện pháp quản lý. Họ cho rằng TNPP là đối tượng mang tính chất trung gian nhưng chúng tôi thấy rằng cần phải phân tích kỹ lưỡng. Chúng tôi cho rằng, TNPP không phải là hệ thống trung gian, mà là một tồn tại khách quan, một mạng lưới trong mắt xích cung ứng xăng dầu” - ông Bảo phân tích.

Ngoài ra, ông Bảo cũng chia sẻ, thông thường giữa cơ quan quản lý và đối tượng bị quản lý cũng sẽ có ý kiến trái chiều. Phía quản lý thì muốn làm đơn giản đi, “để đỡ phải quản lý”. Tuy nhiên, theo ông Bảo, tư duy này không thể được tiếp tục. Đồng thời cho rằng, Bộ Tư pháp cần phải vào cuộc trong việc này, phải xác định việc cấm TNPP mua bán lẫn nhau mà Bộ Công Thương đưa ra có phù hợp với các luật định hiện hành không. Bởi Nghị định thì phải tuân thủ theo Luật, không thể trái Luật.

Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến cho rằng, việc giới hạn các TNPP mua bán lẫn nhau sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các TNPP, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hoặc có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Liên quan đến công thức tính giá xăng dầu, ông Bảo cho biết, ở phiên bản dự thảo mới nhất, việc quản lý giá cũng đã “mở” hơn so với trước đây. Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án, gồm điều hành giá theo mức giá trần và để doanh nghiệp định giá.

Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội và một số Bộ, ngành vẫn cho rằng, xăng dầu là 1 trong 9 mặt hàng bình ổn giá. Điều này đồng nghĩa với việc khi thị trường vận hành một cách bình thường thì mặt hàng này phải tuân thủ theo quy định Luật Giá 2023, tức là phải vận hành theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp định giá. Quản lý nhà nước sẽ thể hiện vai trò thông qua việc giám sát, quản lý kê khai giá (từ doanh nghiệp). “Sau khi nhận kê khai, nếu thấy không ổn thì cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu “dừng lại” và giải trình giá bán” - ông Bảo nói.

Ông Bảo khẳng định, khi thị trường vận hành bình thường thì giá bán phải do doanh nghiệp xác định và thị trường chấp nhận. Còn việc vận hành theo giá trần (một trong hai phương án Bộ Công Thương đưa ra) thì chưa đúng theo Luật Giá. Bởi theo Luật Giá, chỉ khi thị trường bất ổn, Chính phủ sẽ quyết định giai đoạn nào phải thực thi theo giải pháp bình ổn, bằng cách Nhà nước ban hành giá, hoặc giá trần mà tất cả các DN phải tuân theo.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/van-chua-nga-ngu-phuong-an-quan-ly-kinh-doanh-xang-dau-post536090.html