Gạo xuất khẩu: Nâng chất, nâng giá trị để giữ vững thị trường

Ở miền Tây vụ lúa đông xuân được xem là vụ thu hoạch lớn nhất năm. Sau nhiều đợt trúng mùa trúng giá, năm nay nông dân miền Tây kém vui trước cảnh giá lúa liên tục giảm trong khi năng suất lúa thấp hơn cùng kỳ.

Nông dân kém vui trong mùa thu hoạch lớn nhất năm

Những này này, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang vào vụ thu hoạch lúa. Năm nay, nhiều nông dân phải gánh bất lợi kép khi cả giá lúa và năng suất lúa điều không như kỳ vọng.

“Tôi trồng giống lúa VD20, vừa thu hoạch được 4 hôm, thương lái chỉ thu mua có 5.200 đồng/kg. Trong khi đó, năng suất năm rồi đạt gần 900kg/công đất thì năm nay chỉ có khoảng 700kg/công. Tình hình này xảy ra chung ở cả huyện Châu Thành chứ không riêng gì gia đình tôi vì năng suất năm nay giảm do bị ảnh hưởng thời tiết. Bà con nông dân hầu như chỉ hòa vốn, có người lời chút đỉnh khoảng 100.000 - 200.000 đồng/công. Còn những trường hợp thuê đất để canh tác thì gần như cầm chắc lỗ” - nông dân Nguyễn Văn Bé Hai (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết.

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa.

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa.

Trong khi đó, cơn mưa trái mùa vào cuối tuần tại xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang như trút thêm gánh nặng lên vai nông dân Thiều Văn Hải (61 tuổi).

“Năm nay, giá lúa thấp, năng suất lúa không cao do ảnh hưởng của thời tiết. Mấy hôm nay có mưa trái mùa thì càng thiệt hại hơn. Nông dân một nắng hai sương cực khổ nhưng khi giá cả thị trường không ổn định thì người nông dân chịu thiệt hại. Chúng tôi là người tạo ra sản phẩm nhưng không thể làm chủ được. Đi mua phân bón vật tư 10 đồng thì phải trả 10 đồng. Đến khi bán lúa thì lại bị thị trường ấn định. Chúng tôi mong muốn làm sao có được thị trường ổn định, lợi nhuận ổn định”, ông Thiều Văn Hải chia sẻ.

Sau một thời gian giữ giá ở mức cao, giá gạo xuất khẩu đã liên tục lao dốc, hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân đều lo lắng. Nhằm cải thiện tình hình, giới chuyên gia trong ngành tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho hạt gạo xuất khẩu...

TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia Kinh tế cho rằng, sau hai năm hạn chế, Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo từ tháng 9/2024, dẫn đến nguồn cung gạo toàn cầu tăng đột biến, tạo áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế.

“Bên cạnh đó, các quốc gia xuất khẩu khác như Thái Lan, Pakistan cũng đẩy mạnh xuất khẩu với giá cạnh tranh, khiến gạo Việt Nam phải điều chỉnh giá để duy trì thị phần. Mặc dù sản lượng lớn, nhưng chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam chưa được định vị cao trên thị trường quốc tế, dẫn đến giá bán thấp hơn so với các đối thủ” - TS Trần Hữu Hiệp lý giải về nguyên nhân giá lúa giảm trong thời gian qua.

Nói về tình hình giá gạo hiện nay, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cũng cho biết, ảnh hưởng của 2 thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia khiến giá gạo của Việt Nam giảm mạnh.

“Các dòng gạo của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Philippines. Như gạo dẻo và gạo thơm mình bán sang Philippines năm vừa rồi khoảng hơn 43%. Vừa qua, Chính phủ Philippines có đợt thanh tra các thương nhân nhập khẩu gạo do giá gạo trong nước vừa rồi tăng quá cao so với giá nhập khẩu từ Việt Nam. Dù hiện nhu cầu vẫn có nhưng các thương nhân nước họ đang hạn chế mua gạo Việt Nam trong thời gian này. Từ đó, giá gạo Việt Nam giảm nhanh, trong vòng 1 tháng giá gạo giảm tới 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân thứ hai là trong 2 năm vừa qua các quốc gia nhập khẩu gạo cũng đã nhập lượng gạo dự trữ tương đối ổn. Ví dụ, Indonesia năm vừa rồi nhập khẩu gạo Việt Nam tương đối nhiều với khoảng hơn 1 triệu tấn gạo. Năm nay, họ vẫn chưa có kế hoạch nhập khẩu tiếp” - ông Thành phân tích.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Thành cho rằng thị trường sắp tới sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. “Khi giá gạo Việt Nam ở mức thấp như hiện nay thì các thương nhân sẽ sớm bắt đầu quay lại mua gạo Việt, bởi gạo Việt đang ở mức thấp nhất thế giới. Khi các thương nhân quay lại thì thị trường sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng thị trường sôi động và giá bán được như giai đoạn 2023-2024. Trong bối cảnh tồn kho của Ấn Độ vẫn tương đối cao và lúa gạo Việt Nam đang vào mùa thì các thương nhân nước ngoài cũng sẽ đè giá xuống để mua được giá tốt nhất. Khả năng, thị trường sẽ ở mức như năm 2021-2022” - ông Thành thông tin thêm.

Giảm chi phí để tối ưu lợi nhuận

Theo các chuyên gia, trước bối cảnh bất lợi về giá bán thì việc giảm chi phí sản xuất để tối ưu lợi nhuận là giải pháp lâu dài với nông dân. Điều này đã được minh chứng rõ nét qua kết quả của các mô hinh thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha).

“Mấy vụ liên tiếp lúa trồng theo Đề án 1 triệu ha sinh trưởng tốt, không đổ ngã, hiệu quả rõ nét khi vừa tiết kiệm chi phí vừa không lo đầu ra, giá cả ổn định. Đây là mùa vụ thứ 3 chúng tôi thực hiện sản xuất theo Đề án 1 triệu ha. Nhờ giảm chi phí sản xuất nên khi giá lúa có giảm thì nông dân vẫn đạt được lợi nhuận như mong muốn” - ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận (Cần Thơ) chia sẻ.

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Ảnh: Thanh Tiến

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Ảnh: Thanh Tiến

Theo ông Lê Thanh Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo, kết quả các mô hình trồng lúa thí điểm tại 5 tỉnh, thành trong vùng cho thấy, so với lúa canh tác truyền thống, mô hình trồng lúa mới đã giảm 50% lượng giống, 30% phân bón đạm, 30% thuốc bảo vệ thực vật; giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch từ 5% trở lên; năng suất tăng trung bình từ 0,3 - 1 tấn lúa/ha (tùy giống). Từ đó, lợi nhuận nông dân cao hơn cách làm cũ từ 5 triệu đồng trở lên/ha/vụ…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hiện bà con nông dân đã công nhận, tin tưởng và đồng lòng triển khai quy trình canh tác của Đề án 1 triệu ha. Giai đoạn tiếp theo, đề án sẽ tập trung vào ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, tối ưu thời gian sản xuất, tăng giá trị và đảm bảo sức khỏe cho nông dân.

“Người nông dân không cần trực tiếp ra đồng gieo sạ, cấy hoặc rải phân bằng tay. Đề án khuyến khích bà con tăng cường làm dịch vụ nông nghiệp, chuyển lao động chân tay sang áp dụng công nghệ. Người nông dân không phải thường xuyên ra đồng. Thời gian rảnh rỗi, người nông dân có thể làm dịch vụ cho nông nghiệp, tăng thêm thu nhập. Ví dụ HTX có thể vận chuyển lúa đến các kho lúa, HTX có thể vận chuyển rơm đến các nhà máy….” – ông Nam nói.

Trao đổi với báo chí về câu chuyện của ngành gạo xuất khẩu thời gian qua, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2024 nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, nước ta xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá.

Tuy nhiên, hiện Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo từ nước này dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Dù vậy, theo ông Hải, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu gạo mới, trong đó đặc biệt chú trọng những thị trường như Indonesia, Philippines… Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.

TS Trần Hữu Hiệp – Chuyên gia Kinh tế:

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Để cải thiện tình hình, chúng ta cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống bằng cách mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác, thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do và xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia để tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính, như cung cấp tín dụng ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ thuật canh tác, quản lý chuỗi cung ứng và tiếp cận thị trường cho nông dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp nâng cao giá trị và vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân và sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo.

Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gao-xuat-khau-nang-chat-nang-gia-tri-de-giu-vung-thi-truong-10300418.html