Giá giảm một nửa, người trồng sắn lao đao
Nhiều nông dân trồng sắn tại Gia Lai, Thanh Hóa, Điện Biên, Tuyên Quang,... đang đối mặt với khó khăn khi giá sắn năm nay giảm gần một nửa so với năm trước, dao động từ 1.300 đến 1.700 đồng/kg. Trong khi chưa tìm được lối đi mới, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng để chờ sự thay đổi của giá sắn.
Thu hoạch cầm chừng chờ giá lên
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, anh Đỗ Văn Biên ở xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, gia đình anh đang có hơn 2ha sắn đến mùa thu hoạch, mặc dù rao bán cả chục ngày nay nhưng vẫn chưa thể bán.
“Vẫn có thợ sắn thu mua nhưng họ chỉ cân giá 1.200 đồng/kg và nhà vườn phải bốc dỡ lên xe. Với mức giá trên, bà con trồng sắn lỗ quá nửa so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 giá sắn tươi được cân bán tại địa phương ở mức 3.100 đồng/kg, thời điểm này là 1.200 đồng/kg còn không có người mua" - anh Biên thông tin.

Giá sắn giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, hiện tại chỉ từ 1.200 – 1.500 đồng/kg.
Hiện gia đình anh Biên vẫn chưa thu hoạch, đành giữ nguyên vườn sắn với hy vọng một thời gian tới giá sẽ tốt hơn; nếu giá tiếp tục thấp thì nhà vườn sẽ lưu thêm một mùa.
“Để thu hoạch cả vườn sắn vài ha cần thêm rất nhiều chi phí để thuê người bốc dỡ, trung bình 10 tấn sắn sẽ phát sinh 5 triệu đồng tiền công. Trong khi giá sắn rẻ như hiện nay, nếu thu hoạch thì nhà vườn sẽ phải bù lỗ. Có lẽ gia đình sẽ lưu lại tại vườn, hy vọng mùa sau bán được giá tốt hơn.” – anh Biên bày tỏ.
Cũng theo người trồng sắn này, trên địa bàn huyện Sơn Dương có rất nhiều hộ trồng sắn hiện chưa thu hoạch. Bởi theo anh, lưu sắn tại vườn có nghĩa nông dân bị mất một mùa canh tác, trong khi giá sắn rẻ như hiện tại thì các nhà vườn đều cầm chắc thua lỗ”.
Tương tự, tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) nhiều người trồng sắn cho hay, năm 2024, giá sắn đạt 2.900 đồng/kg, có thời điểm cao nhất đạt hơn 3.000 đồng/kg giúp cho nhiều hộ dân thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhìn thấy tiềm năng đó, năm nay nhiều hộ gia đình trồng thêm sắn với mong muốn có thêm thu nhập cho gia đình, thế nhưng thời điểm này giá sắn giảm xuống một nửa, còn khoảng 1.500 đồng/kg.
Một hộ dân khác tại địa phương cũng cho biết: “Năm ngoái thấy sắn được giá nên năm nay gia đình tôi đầu tư 1,5ha sắn, mong thu về khoảng 50-60 triệu đồng. Thế nhưng đến thời điểm này, giá sắn xuống quá thấp, tiền bán không đủ thu vốn và trả công cho nên dù sắn đã đến kỳ thu hoạch từ lâu nhưng tôi cũng không dám thu hoạch, chờ đợi xem giá có tốt lên được chút nào không”.
Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến giá sắn giảm mạnh, anh Biên cho rằng do nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước giảm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn cung lại tăng do nhiều hộ dân mở rộng diện tích trồng sắn, lại càng thêm áp lực tới giá bán và thị trường tiêu thụ.
“Rất mong các cơ quan quản lý hỗ trợ bà con trong việc định hướng trồng trọt, bao tiêu sản phẩm như điều tiết thị trường đầu ra, ổn định giá bán để những người làm nông nghiệp giảm phần nào thiệt hại” – anh Biên nói thêm.
Nâng cao chất lượng để giữ vững và mở rộng thị phần
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 295.000 tấn sắn và các sản phẩm với trị giá hơn 99,3 triệu USD, giảm nhẹ 1,3% về lượng và giảm 9,3% so với tháng 12. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu giảm mạnh 29,6% và trị giá giảm đến 48,9%.
Về các thị trường xuất khẩu thì Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines là 3 thị trường đang nhập khẩu sắn Việt Nam nhiều nhất.

Hiện xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...
Trong tháng 1, nước ta đã xuất sang Trung Quốc hơn 281.000 tấn, tương đương 92 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 49% về trị giá khi so với tháng 1/2024, chiếm đến 95% trong tổng sản lượng. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 2 với gần 4.000 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD, giảm 23% về lượng và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Giá cũng ghi nhận mức giảm 30%, tương đương 382 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Philippines đạt hơn 2.800 tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD, tăng mạnh 175% về lượng và tăng 124% về trị giá. Tuy nhiên giá chỉ đạt 396 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan và trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp.
Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Bên cạnh đó, để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, Cục xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường thế giới.
Ngoài ra, để ngành sắn phát huy hết thế mạnh, cũng cần có những giải pháp bền vững từ các cơ quan chức năng và sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp. Chỉ khi có hướng đi ổn định, người trồng sắn mới dám mạnh dạn trồng, thu hoạch và tiếp tục gắn bó với cây trồng truyền thống này.