Gấp gáp trong cả bữa ăn, giấc ngủ, cách nào giúp giới trẻ 'sống chậm'?

Ngày nay, thế hệ trẻ được coi là những người sống vội, sống gấp để thích nghi với sự phát triển không ngừng nghỉ của thời đại. Nhịp sống của họ lúc nào cũng hối hả, sôi động từ công việc, học tập, ăn uống, đi chơi, người trẻ đều tham lam muốn ôm đồm hết tất cả.

Nguyễn Trần Khánh Chi (23 tuổi), hiện là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội chia sẻ, dường như một ngày với 24 giờ là không đủ. "Ngoài giờ dạy chính ở trường, sau 17h là khoảng thời gian em đi dạy thêm kín tuần. Có hôm dạy đến 22h sau đó về nhà lại chuẩn bị giáo án cho buổi dạy ngày hôm sau. Những ngày cuối tuần thì em tiếp tục đi học thạc sĩ và cũng đang theo học một khóa học cắm hoa vào tối chủ nhật. Nhiều khi em cảm thấy mình sống quá vội vàng mà không thể tận hưởng cuộc sống".

Còn với Phạm Đức (25 tuổi, kỹ sư IT tại Hà Nội) luôn có cảm giác bị cuốn theo thói quen và luôn vội vã. Đức cho biết, từ thứ hai đến thứ sáu luôn phải gồng mình để hoàn thành KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc). Em lao đầu vào công việc, quay cuồng phấn đấu, ganh đua cũng để hy vọng sẽ có một vị trí "đẹp" trong công ty.

"Thú thực, cả ngày cắm mặt vào công việc, chẳng có thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân hay quây quần bên người thân, bạn bè. Không chỉ gấp gáp, hối hả trong công việc mà trong cả vấn đề đi lại, ăn uống…" - Đức tâm sự.

Theo chuyên gia, khi sống quá vội vàng, con người sẽ vô tình bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia, khi sống quá vội vàng, con người sẽ vô tình bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời. Ảnh minh họa.

Là một phụ huynh có hai con đang học cấp THPT và đại học, chị Bùi Kim Hoa (ở Mỹ Đình) cho biết nhìn lịch sinh hoạt của các con khiến chị thấy chóng mặt. "Từ thứ hai đến thứ bảy, sáng nào các con tôi cũng ra khỏi nhà từ 6h30 sáng và tối muộn mới về nhà với lịch trình học chính, học thêm, làm thêm. Cơm tối con cũng không về ăn cơm với gia đình là chuyện bình thường. Tôi rất lo nếu các con cứ tiếp tục lối sống kiểu "ăn vội, ngủ vội" thế này thì lâu dài sức khỏe có thể bị bào mòn".

Làm sao để "sống chậm"?

Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS. Dương Hải Hưng - giảng viên Khoa quản lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi sống quá vội vàng, con người sẽ vô tình bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời. Nếu chúng ta cứ giữ lối sống ấy trong một thời gian dài còn có thể dẫn đến các hệ lụy như: căng thẳng, mất cân bằng, gây hại cho sức khỏe.

Nhà văn Hy Lạp Publilius Syrus từng nhận định rằng: "Người đi quá nhanh sẽ đến quá muộn". Trong thế giới hiện đại, con người dường như bị cuốn theo guồng quay của bao chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Họ mải mê chạy đua với thời gian, chìm đắm vào lối sống vội vàng, gấp gáp mà quên đi những hạnh phúc giản đơn ngay bên cạnh.

"Các bạn trẻ đừng nghĩ nếu không bận rộn học tập và làm việc, không căng thẳng, không chạy deadline thì tức là chúng ta đang sống lười biếng, không có mục tiêu, không phát huy hết khả năng của mình, lãng phí cuộc đời.

Sống chậm lại là một trong những điều lành mạnh nhất mà một người có thể làm cho tâm trí, cơ thể và tinh thần của mình. Sống chậm lại tức là để tâm trí thả lỏng, thư giãn, bình tâm cảm nhận tất cả những thứ trôi qua trong ngày theo một cách cởi mở và sẵn sàng đón nhận nó. Không có một điều gì khiến bạn cảm thấy quá vội vã hay bỏ lỡ một điều gì cả. Mọi thứ đến và đi đều như một cái duyên, bạn cảm thấy hoàn toàn thư giãn, dễ chịu với nó. Sống chậm lại giúp bạn thấy điều gì là quan trọng và điều gì không. Sống chậm lại cũng có thể giúp bạn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Và sống chậm lại có thể khiến bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ", PGS.TS. Dương Hải Hưng chia sẻ.

Còn theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo Dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), ở độ tuổi nào các con của chúng ta cũng luôn cần sự đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ của các bậc phụ huynh nhưng điều này không hề đơn giản khi con cái bước vào độ tuổi lớn.

PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết, cuộc sống bây giờ rất năng động và cuốn đi với tốc độ nhanh. Mặt trái và hệ lụy của vấn đề này là dường như chúng ta sống với nhau bớt sự thấu cảm hơn. Bố mẹ và con cái có thể ở cạnh nhau về vị trí nhưng không ở bên nhau về cảm xúc. Khi chúng ta cứ sống gấp gáp dường như chúng ta được rất ít, có nghĩa là rung cảm càng ngày càng ít đi.

Cha mẹ cần tạo cho các con cơ hội để trải nghiệm. Ví dụ, cha mẹ muốn con sống chậm lại một chút, chú ý đến người xung quanh thì nên tổ chức không gian thân mật ngồi cùng nhau. Sẽ là một khoảng thời gian ngắt ra khỏi guồng quay với thời gian quy định và phải làm thường xuyên.

"Các bạn trẻ sống trong một xã hội mà guồng quay càng ngày càng nhanh như thế này thì nên làm gì cũng cần tập trung sự chú ý vào đó. Chúng ta cứ tưởng tượng ta là một ngọn núi. Mọi công việc, mọi tình tiết của cuộc sống trôi xung quanh ngọn núi, giống như thời tiết, có lúc ngày nắng đẹp, có lúc mưa bão, cây cối oằn mình, có lúc tuyết phủ trắng xóa… nhưng mình vẫn là ngọn núi, vẫn kiên định đứng đó", PGS.TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gap-gap-trong-ca-bua-an-giac-ngu-cach-nao-giup-gioi-tre-song-cham-169231231103808116.htm