Gập ghềnh công nghiệp văn hóa
Ngày 9/7, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án 'Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045'.
Đầu tư chưa tương xứng
Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành CNVH sáng tạo. Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành CNVH.
Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh nền văn hóa trong hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, qua thực tiễn 7 năm triển khai cũng nảy sinh những tồn tại, hạn chế. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc triển khai vẫn chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị CNVH do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan đơn vị, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành CNVH phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững. Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
“Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH. Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành CNVH” - bà Phương cho biết.
Xóa bỏ cơ chế công tư
Để ngành CNVH phát huy được tiềm năng, cơ hội vẫn đang cần tháo gỡ những nút thắt tồn tại trong nhiều năm qua.
Dẫn chứng từ lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung bày tỏ, nhận thức của các nghệ sĩ và cơ quan quản lý về tính chuyên nghiệp trong nền công nghiệp âm nhạc chưa cao, dẫn tới thiếu sự đồng hành và đồng cảm với những nhà sản xuất và nghệ sĩ… Ở các quốc gia có CNVH phát triển, mỗi sản phẩm văn hóa đều được đầu tư, chuẩn bị khoảng vài năm, nhưng tại Việt Nam nhiều sản phẩm chỉ có thời gian rất ít để ra mắt. Như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa - một thương hiệu nghệ thuật thường niên tổ chức tại Hà Nội, cũng chỉ có thời gian chuẩn bị trước 3 - 4 tháng và được cấp phép diễn ra trước khai màn vài ngày.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, việc đầu tư cho điện ảnh hiện nay vẫn “ăn đong”. Mặc dù ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua có những bước phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa có một trường quay xứng tầm. Hay như công tác đào tạo điện ảnh, chúng ta đang làm một cách chung chung, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Dưới góc độ truyền thông, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) Lê Quốc Vinh bày tỏ, cần một hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn cho sản phẩm văn hóa. Theo đó, giảm những sự can thiệp hành chính mang tính cảm tính của cơ quan quản lý, tạo điều kiện điều tiết công bằng theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực CNVH phải được coi như lực lượng sản xuất quan trọng và được ưu tiên trong các chính sách thuế, huy động vốn và hỗ trợ tiếp thị, phát hành, phân phối.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển các ngành CNVH cần tiếp tục thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, tổ chức và cá nhân sáng tạo, chỉ khi có những sản phẩm văn hóa chất lượng và tạo nên những nhu cầu thiết yếu về văn hóa và tinh thần cho nhân dân thì các sản phẩm văn hóa mới trở thành một ngành công nghiệp mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Trên thế giới, phát triển CNVH đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Còn tại Nhật Bản, trung bình doanh thu của từ CNVH lên đến 2 tỷ USD. Tại Hàn Quốc, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp toàn cầu. Vì thế mà các tác phẩm này được ưa chuộng…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gap-ghenh-cong-nghiep-van-hoa-10285197.html