Văn nghệ sĩ Ninh Bình góp sức phát triển công nghiệp văn hóa

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn lực con người, trong đó có các văn nghệ sĩ.

Các tác phẩm nhiếp ảnh góp phần quảng bá du lịch Ninh Bình. Trong ảnh: Sắc vàng Tam Cốc. Ảnh: Thanh Hải

Các tác phẩm nhiếp ảnh góp phần quảng bá du lịch Ninh Bình. Trong ảnh: Sắc vàng Tam Cốc. Ảnh: Thanh Hải

Nguồn lực con người dồi dào, giàu sáng tạo

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình hiện có 215 hội viên, đang sinh hoạt 8 bộ môn: Thơ, Văn xuôi, Nghiên cứu-sưu tầm, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Lý luận phê bình. Trước hết phải khẳng định, văn nghệ sĩ là tầng lớp tinh hoa của xã hội, là những người có kiến thức văn hóa sâu rộng, có năng lực sáng tạo. Tầng lớp này đặc biệt nhạy cảm với những biến chuyển của xã hội, nên đây là lực lượng có tiềm năng to lớn, có thể tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải tất cả các văn nghệ sĩ đều có thể tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Những đòi hỏi về trình độ năng lực, kiến thức, khả năng sáng tạo, tác phong làm việc… khi đáp ứng sự phát triển của công nghiệp văn hóa rất khắt khe, không phải văn nghệ sĩ nào cũng đáp ứng được. Đó là chưa kể ngay bản thân đội ngũ này cũng có nhận thức khác nhau về quá trình tham gia vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Có người chủ động tham gia, tuy nhiên cũng có không ít cá nhân thụ động, không theo kịp tiến trình “chuyển mình” của văn nghệ. Nguyên nhân có nhiều, như năng lực hạn chế, tuổi tác, khả năng cập nhật công nghệ, sức ỳ trong tư duy, thói quen làm việc tùy hứng…

Trong số các bộ môn hiện có của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì có một số môn như: Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc… đã có một số tác giả với bản lĩnh cá nhân, sự năng động trong tư duy sáng tạo, đã bước đầu làm quen, bắt kịp với xu hướng thị trường. Như nhà điêu khắc Kù Kao Khải, trong giới chuyên môn nhiều người biết anh từng bán các tác phẩm của mình cho các nhà sưu tập mỹ thuật tại Hà Nội với giá hàng nghìn đô la. Không những thế, với kiến thức của mình, anh còn trở thành “nhà tư vấn” cho nhiều khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Mức thù lao mà Kù Kao Khải được hưởng từ việc bán “chất xám” của anh không hề nhỏ.

Bên cạnh thành công của Kù Kao Khải với nghệ thuật còn có Nguyễn Thanh Túc là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được biết đến bởi những tác phẩm nghệ thuật mang đậm cá tính sáng tạo mạnh, thích tự do. Anh tự kiến tạo cho mình một không gian riêng, tự do sáng tác. Túc vẽ tranh, đục tượng, chơi nhạc, “hít thở” bầu không khí nghệ thuật mà anh tự tạo ra. Với cá tính nghệ thuật riêng, những tác phẩm của anh làm ra thường rất có hồn, được nhiều tay chơi sành sỏi về mỹ thuật yêu thích. Chính vì vậy anh là một trong số không nhiều tác giả mỹ thuật Ninh Bình sống được bằng nghề.

Tác giả Phan Nguyễn lại cho thấy một câu chuyện khác. Phan Nguyễn là một họa sỹ, nên anh chuyên tâm vẽ, tìm tòi và sáng tạo. Và trong khi một số họa sĩ vẽ tranh chỉ để “tự thưởng lãm” thì tranh của Nguyễn vẫn tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nhiều nhà sưu tập đã chi tiền mua tác phẩm của anh. Còn với Lương Trịnh lại chọn “kết duyên” với đá. Với kiến thức có được từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, kết hợp với nghề đá truyền thống của quê hương, Lương Trịnh đã thành công trong việc cho ra đời những sản phẩm điêu khắc đá nghệ thuật. Những thành công của các tác giả này chứng tỏ nỗ lực của các tác giả mỹ thuật Ninh Bình hoàn toàn có thể đủ sức chơi một cuộc chơi sòng phẳng khi tham gia vào thị trường.

Tất nhiên đây mới chỉ là bước đầu, bởi để hội nhập sâu, làm chủ được cuộc chơi sáng tạo cần có nhiều điều kiện, trong đó bản lĩnh cá nhân, ý thức tự giác là cực kỳ quan trọng. Để phát triển mạnh thị trường sản phẩm mỹ thuật, cần một lực lượng đông đảo các tác giả, vừa có khả năng sáng tạo, vừa tư duy nhạy bén với các xu hướng thẩm mỹ, vừa có tác phong lao động chuyên nghiệp… Có lẽ câu chuyện của mỹ thuật cũng là tình trạng chung của nhiều bộ môn khác như Âm nhạc, Nhiếp ảnh… Để phát triển đội ngũ này cần có thời gian, một chiến lược bài bản. Những gì chúng ta đang có chỉ là những tài nguyên, cơ sở ban đầu của một quá trình.

Chủ động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa

Chia sẻ về câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa, ông Nguyễn Ngọc Thuân, Trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Ninh Bình bày tỏ: Âm nhạc có đặc thù khác với các môn nghệ thuật khác, bởi để có được tác phẩm trọn vẹn có thể tham gia thị trường phải trải qua nhiều khâu: Sáng tác, ca sĩ hát, thu âm, phối khí, thu băng, đĩa, phát hành ra thị trường… Tuy nhiên, hiện Ninh Bình mới chỉ có số ít nhạc sĩ sáng tác, lực lượng khá mỏng.

Từ chuyện sáng tác tới việc có thể đưa sản phẩm tới công chúng là một câu chuyện dài. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một số ít phòng thu tư nhân, với công nghệ còn nhiều hạn chế, chưa có khả năng đáp ứng được thị trường công nghiệp âm nhạc hiện đại. Cá nhân các nhạc sĩ ít có điều kiện kinh tế để tự trang trải các chi phí về thu âm, trả thù lao cho ca sĩ hát bản nhạc của mình, thực hiện đêm nhạc giới thiệu tác phẩm tới công chúng… Tất cả những điều này làm hạn chế khả năng tham gia thị trường của các nhạc sĩ Ninh Bình.

Nếu muốn phát triển thị trường âm nhạc cần có một trung tâm sáng tạo âm nhạc cho các nhạc sĩ. Đây sẽ là nơi các nhạc sĩ đến sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, giới thiệu sáng tác mới, nơi tiến hành thu âm, nơi ca sĩ đến hát, giới phê bình thẩm định, trước khi giới thiệu tác phẩm tới công chúng…

Để làm được điều này cần một quá trình, các nhạc sĩ Ninh Bình cần phải tập làm quen với môi trường sáng tác mới và hoạt động âm nhạc theo xu hướng quan tâm nhiều hơn tới thị hiếu của công chúng, thị trường. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có những điều kiện trên thì điều quan trọng nhất là bản thân các nhạc sĩ cần phải nỗ lực không ngừng, đặc biệt là cần có tâm thế chủ động tham gia vào tiến trình công nghiệp văn hóa, bởi bản thân các nghệ sĩ nếu không tự khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của mình thì mọi sự đầu tư khác cũng khó mà phát huy hiệu quả.

Cũng về lĩnh vực âm nhạc nhưng ở địa hạt biểu diễn, có phần lạc quan hơn. Ninh Bình đang có các hoạt động âm nhạc quần chúng phong phú, trong đó có các loại hình hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm… Riêng hát Xẩm có giá trị độc đáo, đặc sắc, có nhiều dư địa để có thể tham gia thị trường, nhất là phục vụ khách du lịch. Vấn đề ở chỗ, nếu muốn biến nghệ thuật hát Xẩm thành sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch tựa như kiểu Quan họ Bắc Ninh, Dân ca Huế, Cải lương Nam Bộ… cần kiến tạo một không gian biểu diễn phù hợp cho Xẩm.

Ngoài ra, các đội, nhóm, câu lạc bộ hát Xẩm cũng cần thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ, giao lưu biểu diễn để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Việc biến hát Xẩm trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách rất khả thi, giàu triển vọng, nhất là khi số lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày một tăng lên. Tất nhiên, để Xẩm biến chuyển từ một loại hình văn nghệ dân gian thành sản phẩm hàng hóa cần sự chung tay của nhiều người, nhất là sự quyết tâm vào cuộc của chính các nghệ sĩ hát Xẩm.

Ông Đoàn Minh Chiến, Trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Chi hội hiện có 10 hội viên, trong đó có nhiều tác giả có ảnh được giải thưởng, huy chương tại các kỳ liên hoan, triển lãm ảnh trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, tuy nhiên chỉ vài ba tác giả trong số đó bán được ảnh. Cho nên câu chuyện nhiếp ảnh tham gia vào thị trường văn hóa phẩm không hoàn toàn nằm ở chỗ chất lượng tác phẩm mà nhiều khi phụ thuộc vào thị trường, vào khả năng tiếp thị sản phẩm tới công chúng.

Trong cuộc đua này, phần lớn các tay máy có tuổi đời trẻ chiếm lợi thế, các tay máy kỳ cựu dù rất nỗ lực tham gia nhưng kết quả vẫn còn khiếm tốn. Ngoài ra, còn một bộ phận anh em dù có trình độ chụp ảnh tốt nhưng dường như xem nhiếp ảnh là một thú đam mê, họ chủ yếu chơi ảnh hơn là tham gia vào thị trường chào bán sản phẩm...

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội. Điều này tất nhiên phải trải qua một tiến trình và dù muốn hay không nó cũng đang là một xu thế. Khi đã là một xu thế thì không cá nhân nào có thể đứng ngoài và điều quan trọng với các văn nghệ sĩ Ninh Bình là cần phải xác định cho mình một tâm thế chủ động để tích cực tham gia và hòa nhập cùng xu thế ấy, góp phần để ngành công nghiệp văn hóa Ninh Bình từng bước phát triển bền vững.

Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/van-nghe-si-ninh-binh-gop-suc-phat-trien-cong-nghiep-van-360942.htm