Gập ghềnh hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2025
Theo các nhà phân tích, triển vọng xuất khẩu năm 2025 của Hàn Quốc khá ảm đạm, bởi sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc và biến động chính trị tại Mỹ.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tin rằng khi mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không lạc quan thì mối lo ngại với kinh tế Hàn Quốc ngày càng lớn hơn.
* Tác động từ việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trì trệ
Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, việc "giải phóng hàng tồn kho" và đẩy giá thấp của nền kinh tế lớn nhất châu Á dự kiến sẽ nổi lên như một thách thức khác đối với nền kinh tế Hàn Quốc.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 công bố đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 5%. Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell và là cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách Trung Quốc, nhận định trong năm 2024, cường quốc châu Á đã phải vật lộn để đối phó với nhu cầu trong nước ảm đạm, áp lực giảm phát dai dẳng và thị trường bất động sản và chứng khoán bất ổn. Tình hình năm 2025 được dự báo là không có nhiều điểm sáng. Sự khó khăn của kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến triển vọng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trên thực tế, xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm từ 162,9 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 133 tỷ USD trong năm 2024, giữa bối cảnh xung đột Mỹ-Trung tiếp diễn. Trong khi đó xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng trong bảy năm liên tiếp, đạt 127,8 tỷ USD trong năm 2024. Năm ngoái, chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp xuống còn 5,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2025, nhiều khả năng xuất khẩu sang Mỹ sẽ vượt xuất khẩu sang Trung Quốc do tăng trưởng thấp của Trung Quốc và việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Thách thức từ thay đổi chính sách thuế quan tại Mỹ
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ cũng đang đe dọa tạo tác động không nhỏ tới hoạt động thương mại của Hàn Quốc, bởi nỗi lo khả năng tăng thuế quan. Tổng thống đắc cử Trump đã khẳng định rõ ràng rằng Mỹ sẽ sử dụng thuế quan như một "vũ khí" để điều chỉnh thặng dư thương mại với các đồng minh. Nếu chính sách này được triển khai, xuất sang Mỹ cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Một nguy cơ khác cũng được nêu ra là các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc không tìm được thị trường trong nước do nhu cầu nội địa trì trệ có thể tràn vào các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc. Nếu hoạt động "đẩy xuất khẩu" của Trung Quốc tăng cường, các nhà sản xuất và phân phối nhỏ của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc tấn công của hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Chuyên gia Jeong Gyu-cheol, Giám đốc Phòng phân tích xu hướng của Viện phát triển Hàn Quốc (KDI), cho biết sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc qua nhiều kênh khác nhau. Lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu đang bị ảnh hưởng.
Jeon Byeong-seo, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và tài chính thì bày tỏ lo ngại rằng nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, các nguy cơ tiềm ẩn về chuỗi cung ứng như dừng xuất khẩu nguyên liệu thô có thể được Chính phủ Trung Quốc tái áp dụng. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gap-ghenh-hoat-dong-xuat-khau-cua-han-quoc-trong-nam-2025/360649.html