Gặp gỡ người chỉ huy Tiểu đoàn tham gia Chiến dịch Tây Nguyên

50 năm sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cựu chiến binh (CCB) Đặng Tụ (sinh năm 1932) ở thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) vẫn không quên những ngày lửa đạn, những khoảnh khắc sinh tử giữa rừng núi Tây Nguyên. Trận Buôn Ma Thuột - trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên là mốc son không phai trong đời binh nghiệp của ông.Anh dũng trải qua 2 cuộc kháng chiến, cứu nướcNhư đã hẹn trước, một chiều giữa những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của CCB Đặng Tụ. Mặc trên mình bộ quân phục oai nghiêm, người lính già có mái đầu bạc trắng bắt đầu kể về cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy một thời của mình theo cách rất bình dị.

CCB Đặng Tụ

CCB Đặng Tụ

Năm 1949, khi mới 17 tuổi, thanh niên Đặng Tụ xung phong đi bộ đội đánh thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, ông được phân công về Đại đội Vũ Hổ, Tỉnh đội Hưng Yên. Năm 1951, ông bị quân địch bắt và giam giữ tại một nhà tù ở Gia Lâm (Hà Nội). Sau 4 tháng bị giam cầm, ông vượt ngục, trốn chạy thành công qua nhiều đồn bốt của quân địch. Về quê nhà, ông tiếp tục gia nhập bộ đội tại địa phương, sau đó được cử đi học lớp tiểu đội trưởng, rồi được bổ sung về Trung đoàn 137, Sư đoàn 328, Quân khu 3, đóng quân ở Hải Phòng.

Từ năm 1955 – 1958, ông được cấp trên cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 148, Quân khu 2, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Sau đó, ông tham gia học Trường Sĩ quan Pháo binh từ năm 1964 - 1966, rồi được cấp trên phân công về làm Chủ nhiệm pháo binh của Trung đoàn 36, Sư đoàn 328B.

Mốc son trong cuộc đời binh nghiệp

Tham gia cả 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, ông Tụ cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch. Tuy nhiên, với ông trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trận mở màn và then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên là mốc son trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 do Quân đội nhân dân Việt Nam phát động. Quân ta chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở màn cho chiến dịch này bởi đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của Tây Nguyên; có vị trí rất cơ động, nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch, tập trung lực lượng đầu sỏ phản động trong vùng…

Trong trận đánh mở màn này, ông Tụ được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Ông Tụ nhớ lại: Khoảng 2 giờ ngày 10/3/1975, cuộc tấn công như bão lửa của quân ta vào các mục tiêu then chốt của địch ở Buôn Ma Thuột. Địch chống cự quyết liệt. Tiểu đoàn 4 và 5 của Trung đoàn 95 được tăng cường 4 xe tăng liên tục tiến công và đánh địch phản kích. Đến 13 giờ 30 phút, đơn vị làm chủ Ngã Sáu rồi phát triển tiến công Tiểu khu Đắk Lắk. 15 giờ, Trung đoàn làm chủ tiểu khu và cử một bộ phận quay lại tiêu diệt đại đội biệt kích còn lại ở sân bay thị xã. Trong khoảng thời gian đó, quân ta tiêu diệt thêm nhiều cứ điểm của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 10 giờ ngày 11/3/1975, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã. Chiến thắng Buôn Ma Thuột góp phần giáng một đòn chí mạng, khiến quân địch rơi vào thế bị động, tạo ra bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường. Sau Buôn Ma Thuột thì vùng giải phóng mở ra ngày một rộng lớn.

Ông Tụ nghẹn lời: Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã trải qua nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch. Mỗi trận đánh là một thử thách về lòng dũng cảm, sự ác liệt, hi sinh. Trên chính mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này, biết bao đồng đội tôi đã không may nằm lại…

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Tụ trải qua nhiều vị trí công tác rồi cùng đồng đội tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Từ năm 1981-1983, ông được cử đi học tại Học viện Quốc phòng, sau đó công tác tại Học viện Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam). Cuối năm 1987, ông về nghỉ chế độ, tích cực tham gia công tác, phong trào tại địa phương.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, CCB Đặng Tụ được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương bảo vệ Tổ quốc và nhiều khen thưởng khác.

Giờ đây, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi nhắc về những ngày tháng oanh liệt cùng đồng đội, hào khí của người lính Cụ Hồ vẫn rực cháy trong ông. 50 năm sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn, người lính già 72 năm tuổi Đảng vẫn luôn tự hào về những tháng ngày thanh xuân được cống hiến và sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, luôn giáo dục con, cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp!

Dương Miền – Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/gap-go-nguoi-chi-huy-tieu-doan-tham-gia-chien-dich-tay-nguyen-3180844.html