Gặp khó ở 'sân nhà', Tencent nhắm đến thị trường game Đông Nam Á
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings, với mảng kinh doanh trò chơi điện tử lớn nhất thế giới xếp theo doanh thu, đang xoay trục ra nước ngoài do gặp khó khăn ở thị trường nội địa.
Tại Hội nghị các nhà phát triển trò chơi Tencent kéo dài 4 ngày, khai mạc từ 14/8, công ty công nghệ trụ sở Thẩm Quyến đã nhấn mạnh cơ hội đưa những tựa game do hãng xây dựng ra thị trường nước ngoài như Trung Đông, Mỹ Latin và Đông Nam Á.
Xia Lin, Phó Chủ tịch Tencent Games cho biết, số lượng người dùng và lượt tải game tại các khu vực địa lý nêu trên đã “vượt xa quy mô thị trường Trung Quốc” và nhận định cơ hội tăng trưởng tại đây, “tương tự như những gì công ty ghi nhận tại thị trường quốc nội giai đoạn 2012-2015”.
Hiện nay thị trường trò chơi điện tử Trung Quốc đang phải hứng chịu những quy định khắt khe do chính phủ nước này quyết tâm giải quyết tận gốc tình trạng nghiện game của giới trẻ.
Hệ thống cấp phép nghiêm ngặt với nhà phát hành và giới hạn giờ chơi với game thủ dưới 18 tuổi đã khiến doanh thu gộp của lĩnh vực game đại lục giảm 1,8% trong nửa đầu năm 2022, trong khi đó số lượng người chơi cũng giảm xuống còn 665,69 triệu người.
Với Tencent, trong quý II vừa qua, công ty gần như không tăng trưởng doanh thu mảng game, trong khi lợi nhuận ròng giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 5, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Pony Ma Huateng nói rằng, công ty đã phải tiến hành biện pháp cắt giảm chi phí và “hợp lý hóa” những mảng kinh doanh không cốt lõi.
Trong năm 2022, Tencent cùng công ty phát triển game lớn thứ 2 của Trung Quốc là NetEase, vẫn chưa được cấp phép bất kỳ tựa trò chơi điện tử mới nào cho smartphone hay máy tính, dù cơ quan chức năng đã nối lại quy trình xét duyệt từ tháng 4. Lần gần nhất đại gia công nghệ đại lục được cấp phép một tựa game mới đã cách đây 14 tháng.
Vinh Ngô (Theo SCMP)