Gặp khó vì quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg và cá trích dài 110 mm

Doanh nghiệp đánh bắt và xuất khẩu thủy sản đau đầu vì quy định chỉ được đánh bắt cá ngừ từ 5 - 7 kg và cá trích xương từ 110 mm (tức 0.11 mm).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa gửi công văn tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về báo cáo tình hình hoạt động quý II-2024 và nhiệm vụ 2 quý cuối năm.

Công văn cũng đề cập tới một số vướng mắc mà ngành thủy sản gặp phải. Đáng chú ý, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19-5-2024.

Quy định này có nhiều điểm chưa phù hợp đối với một số loài, cụ thể có sản lượng thương mại xuất nhập khẩu lớn toàn cầu.

Đơn cử với cá ngừ vằn, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài này là 0,5 m tương đương size 5-7kg, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này là size 1,8 – 3,4kg.

 Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đau đầu vì quy định đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg. ẢNH: TÉP BẠC

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đau đầu vì quy định đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg. ẢNH: TÉP BẠC

VASEP cho biết, trong quy định bảo tồn của châu Âu, không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ, mà chỉ có một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.

“Nội dung cơ bản là EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như “hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu”- VASEP nêu trong kiến nghị.

Hiệp hội dẫn chứng, các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1.5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác (C/C). Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương cũng không có quy định kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ, trong đó có ngừ vằn.

Tương tự, đối với cá trích xương, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài này là 0,11 m. Tuy nhiên, trong thực tiễn khai thác ở Việt Nam mà doanh nghiệp thu gom được thường chiếm khoảng 1/3 lượng nguyên liệu loài này.

Mực ống (loligo edulis và loligo chinensis) cũng được quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài loligo edulis là 0.08 m và loài Loligo chinensis là 0,17 m. Điều này không phù hợp, vì hiện nay các loài mực ống trên theo thông lệ thương mại của khách hàng nhiều nước được xuất khẩu chủ yếu ở các size dưới 0.08 m.

Bên cạnh đó, còn có tôm sắt cứng, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 0.07 m. Trong khi ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, thông lệ thương mại của khách hàng nhiều nước và lượng tôm sắt cứng với các size dưới 0.07 m mà doanh nghiệp thu gom được để sản xuất, xuất khẩu chiếm trên 50% nguyên liệu.

Như vậy, các quy định trên sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí ngư cụ vào phần kiểm tra cấp phép xuất - cập bến. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu.

Cũng trong công văn này, VASEP còn kiến nghị hủy bỏ/sửa đổi thêm nhiều vướng mắc khác như: quy định áp trần chi phí lãi vay theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; thời gian cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác của các cảng cá đang bị kéo dài; xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu....

Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo VASEP, dù chưa có bứt phá mạnh mẽ nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu phục hồi dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gap-kho-vi-quy-dinh-chi-danh-bat-ca-ngu-van-tu-5-kg-va-ca-trich-dai-110-mm-post797454.html