'Gấp lắm rồi, phải gỡ kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất'

'Dự án này gấp lắm rồi, không thể chậm hơn nhà ga T3 được. Chắc chắn phải hoàn thành trước 3 tháng so với nhà ga T3', Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông nói.

Tháng 7/2023 là thời điểm dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành. Nhà ga này sẽ nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm - gấp đôi so với hiện tại.

Các chuyên gia nhận định đây là thời hạn cuối cùng cho loạt dự án gỡ ùn tắc xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi lẽ, nếu chậm hơn nữa, hạ tầng xung quanh sẽ không thể nào "gồng gánh" lượng khách tăng gấp đôi tại nhà ga này, dẫn đến những hệ quả đáng lo ngại.

Năm 2016, để giảm ùn tắc cho khu vực sân bay, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lập kế hoạch triển khai loạt 6 dự án gỡ ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: (1) cầu vượt trên đường Trường Sơn; (2) cầu vượt ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm; (3) mở rộng đường Hoàng Minh Giám; (4) đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; (5) mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; (6) mở một đoạn đường Cộng Hòa ở nút giao Lăng Cha Cả.

3 dự án đầu được hoàn thành giai đoạn 2017-2019 giúp giảm phần nào áp lực giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các dự án còn lại vẫn chưa khởi công sau nhiều lần lỡ hẹn.

"Đừng làm cầu mà không có đường dẫn"

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhìn nhận nếu không khẩn trương cải tạo cơ bản hệ thống giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, tới khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, chắc chắn khu vực này sẽ kẹt nghiêm trọng hơn.

Nếu nhà ga T3 xong mà các đường không xong thì giống hệt như làm cầu mà không có đường dẫn vậy.

TS Võ Kim Cương

Về mặt chuyên môn, chuyên gia góp ý phải có các biện pháp đo đếm kỹ thuật để tính toán áp lực vận tải lên sân bay Tân Sơn Nhất khi nhà ga đi vào hoạt động. Ví dụ, lưu lượng xe qua các nút giao thông, đi trên diện tích đường như thế nào, tương thích với lưu lượng khách ra/vào sân bay ra sao...

TS Võ Kim Cương khẳng định khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, lưu lượng giao thông qua Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ tăng. Hiện nay, công suất thiết kế của sân bay này là 25 triệu hành khách mỗi năm nhưng mạng lưới giao thông đã quá tải, liên tục ùn tắc. Nếu công suất tăng lên gấp đôi (50 triệu hành khách mỗi năm), hạ tầng xung quanh phải nâng cấp, cải tạo tương xứng.

Chuyên gia dẫn chứng đường Cộng Hòa không chỉ phục vụ lối ra/vào phi trường mà còn là tuyến kết nối với hướng tây bắc TP.HCM. Khi sân bay Tân Sơn Nhất tăng công suất, đường Cộng Hòa sẽ quá tải. Ông Cương cho rằng có thể kỳ vọng metro 2 đi vào hoạt động gỡ phần nào thế khó, nhưng thực tế từ metro 1 cho thấy metro 2 khó hoàn thành trước 2023.

 Mạng lưới giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất cần được sớm cải tạo. Ảnh: Hoàng Giám.

Mạng lưới giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất cần được sớm cải tạo. Ảnh: Hoàng Giám.

TS Cương cho biết về nguyên tắc, giao thông phải đồng bộ chứ không thể chia nhỏ. Do đó, các dự án đã quy hoạch để giải thế kẹt cho Tân Sơn Nhất vẫn cần thực hiện. Nếu thực hiện đồng bộ làm tăng áp lực lớn hệ thống giao thông, gây ách tắc cục bộ thì có thể chia nhỏ, làm cuốn chiếu từng dự án.

Tuy nhiên, dù giải quyết theo kiểu "rải quân" hay "tập trung", TP.HCM cũng cần khẩn trương, tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông này trước khi nhà ga T3 hoàn thành.

"Phải lấy mốc đó để xác định. Nếu nhà ga T3 xong mà các đường không xong thì giống hệt như làm cầu mà không có đường dẫn vậy", chuyên gia so sánh.

Phá thế độc đạo của đường Trường Sơn

Có quan điểm tương tự, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho rằng áp lực giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao hơn khi sân bay này xây thêm nhà ga T3 để nâng năng suất khai thác mỗi năm lên 50 triệu lượt khách. Điều này khiến thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại. Trong đó, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa) dài 4.400 m là công trình quan trọng nhất.

Nếu các dự án còn lại không hoàn thành trước nhà ga T3, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không thể triển khai trên thực tế.

PGS TS Nguyễn Thiện Tống

Điểm đầu của dự án từ đường Trần Quốc Hoàn theo Phan Thúc Duyện - đường 18E - đường C2 - Hoàng Hoa Thám - đường C12 - Cộng Hòa. Chuyên gia cho rằng khi thực hiện, công trình sẽ tạo thêm hướng tiếp cận đến sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn. Đồng thời, con đường mới sẽ giảm lượng xe dồn vào vòng xoay Lăng Cha Cả - nơi kết nối các tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện.

Dù dự án được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất xây dựng từ năm 2016, đến nay chưa thể thực hiện do đi qua đất quốc phòng và chưa thống nhất ranh dự án.

 Nếu loạt dự án giao thông không sớm hoàn thành, chuyên gia cho rằng nhà ga T3 sẽ khó triển khai. Đồ họa: Phương Trâm

Nếu loạt dự án giao thông không sớm hoàn thành, chuyên gia cho rằng nhà ga T3 sẽ khó triển khai. Đồ họa: Phương Trâm

Tiếp theo là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài gần 800 m. PGS TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng đây là con đường mở thêm cửa ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa, dài 134 m, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, sẽ phá bỏ thế "thắt cổ chai" ở nút giao thông Lăng Cha Cả.

"Nếu 3 dự án còn lại này không hoàn thành trước khi xây dựng xong nhà ga T3, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm không thể triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, ùn tắc giao thông ở khu vực Tây Nam sân bay sẽ vô cùng trầm trọng, gây ô nhiễm và thiệt hại kinh tế rất lớn", ông Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Phải khẩn trương

"Rất cấp bách" là lời khẳng định của ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông), khi nói về loạt dự án giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư loạt dự án này, tình hình tiến độ của các công trình khá khả quan.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hiện đã được quân đội thống nhất chủ trương giao đất. Đặc biệt, các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng đã được thu xếp tái định cư tại chỗ ở khu vực cuối đường Hoàng Hoa Thám. Khu vực này sẽ trở thành nhà mặt tiền trên con đường mới. Ông Phúc nhận định đây là giải pháp tốt nhất cho vấn đề về giải phóng mặt bằng.

 Tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được xem là cửa ngõ thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được xem là cửa ngõ thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Đoạn đó lòng đường vẫn giữ nguyên, cố gắng điều chỉnh tối đa mặt cắt vỉa hè để giảm số bà con bị ảnh hưởng. Hiện nay, ban đang trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ 3 phường bị ảnh hưởng ở quận Tân Bình. Sau khi dự án có ranh chính thức mới công bố và triển khai đền bù", ông Phúc thông tin.

Quy hoạch dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Việc bàn giao đất quốc phòng đang tiến hành thủ tục cần thiết. Quận cũng đang thực hiện việc tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng. Với tình hình này, đại diện chủ đầu tư dự án đánh giá không còn vướng mắc, vấn đề là phải khẩn trương.

"Dự án này cấp bách lắm rồi, không thể chậm hơn nhà ga T3 được. Chắc chắn phải hoàn thành trước 3 tháng so với nhà ga T3", ông Phúc cho hay.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gap-lam-roi-phai-go-ket-xe-quanh-san-bay-tan-son-nhat-post1206820.html