Gặp mặt 165 nữ cựu tù cách mạng

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2025) và hướng tới 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 28/3, tại thành phố Nha Trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình Gặp mặt nữ cựu tù cách mạng, với sự tham dự của 165 đại biểu là nữ cựu tù cách mạng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Bích Liên phát biểu tại chương trình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Bích Liên phát biểu tại chương trình.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, hiện nay, ở tỉnh có 414 nữ cựu tù cách mạng sinh sống. Người cao tuổi nhất sinh năm 1924, ít tuổi nhất sinh năm 1958. Họ từng bị giam giữ, tù đày trong các nhà tù khắc nghiệt như Côn Đảo, Phú Tài, Chí Hòa, đến những trại giam ở địa phương như Côn Sơn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang...

Những năm tháng kháng chiến, có những người bị địch giam giữ không chỉ một lần, mà đến hai, ba lần, chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Các mẹ, các cô luôn giữ lòng kiên trung, hoạt động đấu tranh ngay trong lòng địch, động viên nhau vượt qua muôn vàn thử thách, chia sẻ từng hạt muối, nắm cơm; biến ngục tù thành trường học cách mạng. Cùng với đó, các hoạt động "truyền lửa" cách mạng, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, giữ vững tinh thần, ý chí người cộng sản đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc.

Trở về với cuộc sống đời thường, dù mang trên mình di chứng từ chiến tranh, nhưng các mẹ, các cô vẫn tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại những câu chuyện thời chiến. Từng câu chuyện như những thước phim ngắn tái hiện lịch sử đấu tranh anh hùng, bất khuất chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc; tố cáo tội ác tàn bạo của nhà tù đế quốc, thực dân.

Bà Tô Thị Sương (trú huyện Vạn Ninh), bị địch bắt và đày ra Côn Đảo năm 1972 rất xúc động khi về dự buổi gặp mặt. Bà cho biết, năm 1972, lòng nhiệt huyết sục sôi làm cách mạng có khắp trong nhân dân. Cũng năm đó, chị gái của bà bị địch bắt đưa đi tù đày đã thôi thúc bà càng phải mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng bà Sương cũng bị bắt trong năm này và địch đày bà ra tù ở Côn Đảo. “Thời trước, khi làm cách mạng, các hoạt động đều được giữ bí mật. Trong lớp vải mỏng là trái tim lớn, địch tra tấn dã man đều báo “Không biết”, đánh đau cũng không than van, chết thì chết”, bà Sương nói.

Giao lưu cùng nữ cựu tù cách mạng Cao Thị Ánh Tuyết (trú tại huyện Khánh Vĩnh).

Giao lưu cùng nữ cựu tù cách mạng Cao Thị Ánh Tuyết (trú tại huyện Khánh Vĩnh).

Còn bà Cao Thị Ánh Tuyết (trú tại huyện Khánh Vĩnh) 3 lần bị địch bắt giữ, trong đó lần thứ 2 có thời gian giam giữ dài nhất - gần 3 năm. Kể về giai đoạn đó, bà Tuyết không cầm được nước mắt, nghẹn lời kể về việc bị hành hạ dã man dẫn đến hỏng đôi mắt. Ngày nay, bà Tuyết cũng như các nữ cựu tù cách mạng đều nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đó là niềm vui, là hạnh phúc tuổi về già sau những năm cống hiến cho cách mạng, cho nước nhà.

Sự kiên trung của người cộng sản ở những địa ngục trần gian đã tạo thành vũ khí sức mạnh to lớn, vượt qua năm tháng gian khó của cách mạng Việt Nam, làm nên chiến thắng oai hùng, đưa đất nước hoàn toàn độc lập, phát triển bền vững. Hôm nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, sự kiên trung của người cộng sản là điều vô cùng cần thiết, là bài học, tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, cống hiến cho quê hương, Tổ quốc.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/gap-mat-165-nu-cuu-tu-cach-mang-20250328133257997.htm