Gặp mặt giới thiệu sách Người lính ra đi từ làng cát của cựu chiến binh Ngô Minh Thơ
Ngày 29/4, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô tổ chức gặp mặt giới thiệu sách Người lính ra đi từ làng cát của cựu chiến binh Ngô Minh Thơ.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số (bên trái) và thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô nhận sách do cựu chiến binh Ngô Minh Thơ ký tặng. Ảnh: YÊN LAN
Các đồng chí Trần Thanh Hưng, Phó trưởng ban trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Kim Anh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số; thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô; đại diện Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh... tham dự.

Trung úy Ngô Minh Thơ tặng sách cho Phó trưởng ban trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Trần Thanh Hưng và đại tá Trương Thiên An, Chính ủy BĐBP tỉnh. Ảnh: YÊN LAN
Mở đầu buổi gặp mặt giới thiệu sách Người lính ra đi từ làng cát, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh chia sẻ những cảm nhận của ông về cựu chiến binh - thương binh Ngô Minh Thơ, một người con của quê hương Hòa Hiệp (Đông Hòa) anh hùng, một chiến sĩ thuộc Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô (mật danh K60) ngày ấy, một người lính đặc công anh dũng ở Tiểu đoàn 30, từng bị thương, bị địch giam cầm trong nhà tù Phú Quốc, trải qua biết bao trận đòn thù song vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh phát biểu mở đầu chương trình gặp mặt giới thiệu sách. Ảnh: YÊN LAN
Sau khi được trao trả (năm 1973), người lính Ngô Minh Thơ trở về Phú Yên, trở về Tiểu đoàn 30, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cho biết: Nghe anh kể chuyện, tôi nhớ trước đây khi về thăm Khu di tích lịch sử Bến tàu Không số Vũng Rô, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với tôi rằng bác cố nhớ và ghi lại tất cả những gì trong cuộc đời binh nghiệp, đặc biệt là về đường Hồ Chí Minh trên biển, để con cháu sau này biết rằng cha ông đã đánh giặc như thế nào. Tôi gợi ý với anh Ngô Minh Thơ về việc viết một cuốn hồi ký, ghi lại câu chuyện của cuộc đời mình như một nén tâm hương tri ân quê hương, đất nước, đồng đội và để lại di sản tinh thần cho con cháu.

Thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô phát biểu. Ảnh: YÊN LAN
Hồi ký Người lính ra đi từ làng cát (NXB Hồng Đức) tái hiện cuộc đời của trung úy Ngô Minh Thơ,người được cha, anh truyền lửa, theo tiếng gọi của non sông, nhập ngũ vào năm 16 tuổi và trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Từ chuyện chiến đấu, chuyện đời đến chuyện làm kinh tế sau công cuộc Đổi mới được tác giả kể một cách dung dị, sinh động và lôi cuốn. Bên cạnh phần hồi ký của tác giả, tập sách dày gần 300 trang in này còn có phụ lục in những bài báo, bài thơ viết về đơn vị K60, về trung úy - thương binh Ngô Minh Thơ và một số hình ảnh về bến Vũng Rô huyền thoại, về những đồng đội bến và thuyền còn lại, về gia đình tác giả...

Trung úy - thương binh Ngô Minh Thơ cùng vợ - bà Nguyễn Thị Hoa và con trai cả Ngô Minh Thông nhận hoa chúc mừng trong buổi gặp mặt giới thiệu sách. Ảnh: YÊN LAN
Trong chương trình gặp mặt giới thiệu sách Người lính ra đi từ làng cát, thiếu tá Ngô Văn Định đã có những chia sẻ đầy xúc động về đồng đội, về những việc nên làm để Khu di tích lịch sử Bến tàu Không số Vũng Rô phát huy hơn nữa tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Tảng - người đã trao nắm đất Vũng Rô cho Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh năm nào - đọc hồi ký của cựu chiến binh Ngô Minh Thơ. ẢNH: YÊN LAN

Một nghệ sĩ hát bài chòi trong chương trình gặp mặt ra mắt sách. Ảnh: YÊN LAN

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: YÊN LAN