Gặp người 7 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ

Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc lại năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Nguyễn Thắng Lợi (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện)-người chiến sĩ với thành tích 7 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.

Dũng cảm trong chiến đấu

Ông Nguyễn Thắng Lợi đón chúng tôi bên hiên ngôi nhà nhỏ xinh được tô điểm bởi hàng trăm chậu hoa, cây cảnh. Dù đã 76 tuổi nhưng ông Lợi vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, nhất là khi kể về cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông Lợi sinh ra và lớn lên tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1966, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh và gần 1 năm tham gia đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, cuối năm 1967, ông cùng đồng đội hăng hái vác ba lô hành quân vào chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Thắng Lợi (bìa trái) kể về những lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Thắng Lợi (bìa trái) kể về những lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: H.T

Rót ly nước mời khách, ông Lợi hồi nhớ: Địa bàn đầu tiên mà ông tham gia chiến đấu là chiến trường đường 9 Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) vào năm 1967. Thời điểm ấy, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, trong đó, Quảng Trị được chúng xem là địa bàn chiến lược. Tại địa bàn Khe Sanh, Mỹ xây dựng 1 tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn và kiên cố, bao gồm làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự Sân bay Tà Cơn. Dù chiến tranh ác liệt nhưng với tinh thần “địch ở đâu đánh ở đó”, đơn vị ông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương xây dựng hầm hào, chặn đánh quyết liệt lực lượng tiếp viện của địch.

“Tôi nhớ nhất là trận tấn công địch tại trận địa giả do đơn vị tạo ra tại một ngọn đồi ở phía Bắc đường 9 Khe Sanh. Khi đó, tôi là Đại đội phó Đại đội Công binh (Trung đoàn 95C) trực tiếp chỉ huy 30 chiến sĩ cùng đào hầm, làm các khẩu pháo giả nhằm nhử địch tiến vào rồi bắn. Khoảng 8 giờ sáng, nghe tiếng bộc phá phát ra từ trận địa giả, quân địch lầm tưởng có bộ đội ta hoạt động tại đây nên cho máy bay trực thăng đưa quân xuống hòng tiêu diệt. Khi ấy, chúng tôi từ trong hầm đã sẵn sàng tư thế chờ bắn. Khi phát hiện 1 máy bay trực thăng chỉ cách trận địa vài chục mét, tôi dùng súng AK bắn liên tục khiến chiếc trực thăng rơi xuống đất và 7 tên địch trong chiếc trực thăng này chết tại chỗ. Sau trận đánh này, tôi được tặng 2 danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ bắn rơi máy bay”-ông Lợi kể.

Tháng 3-1968, Sư đoàn 325C cùng với một số đơn vị được điều vào tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên. Tại đây, ông Lợi trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh tại Chi khu quân sự Đắk Min (tỉnh Đắk Nông) và giành được chiến thắng. Cũng trong thời điểm này, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa. Đầu năm 1969, Sư đoàn 325C tiếp tục tiến vào chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khi đó, ông Lợi được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 9). Tại đây, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng công sự, đào hầm bí mật liên hoàn chiến đấu trực diện với quân địch và lần lượt lập được nhiều chiến công, góp phần đập tan âm mưu bình định và lấn chiếm của địch.

Ông Lợi hồi tưởng: Trận đánh cứ điểm Đồng Ban (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) vào cuối tháng 10-1969 là gay cấn nhất. Trước đó, Đồng Ban vốn là điểm tập kết của quân địch nhưng vì bị quân ta tiến đánh ráo riết trong dịp Tết Mậu Thân 1968 nên chúng rút về căn cứ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) để bảo toàn lực lượng. Giữa năm 1969, địch đổ quân chiếm lại căn cứ nhằm làm bàn đạp tiến đánh Campuchia. 4 giờ sáng, Tiểu đoàn 3 cùng với 2 tiểu đoàn khác (đều thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9) cùng lúc tấn công vào cứ điểm và tiêu diệt gọn hơn 500 tên địch, thu nhiều vũ khí. “Với chiến thắng tại trận đánh này, tôi tiếp tục được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Huân chương Chiến công hạng nhì”-ông Lợi tự hào.

Sau trận đánh này, với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, ông Lợi tiếp tục cùng với đơn vị tham gia nhiều trận đánh tại tỉnh Tây Ninh và lập nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, với các chiến công trong tiêu diệt lính Mỹ và phá hủy các phương tiện chiến đấu của địch, ông Lợi lần lượt được tặng thêm các danh hiệu như: Dũng sĩ đánh cầu, Dũng sĩ diệt thiết giáp, Dũng sĩ quyết thắng cùng nhiều huân-huy chương khác. Đến năm 1971, ông được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Năm 1975, ông về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, ông chuyển về Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Bộ Quốc phòng). Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Người đảng viên gương mẫu

Ông Lợi dành thời gian đưa chúng tôi đi tham quan vườn hoa và một số tuyến đường của thôn. Dừng chân trước những chậu hoa giấy đang khoe sắc, ông Lợi chia sẻ về hành trình lập nghiệp của bản thân nơi vùng đất mới. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu, ông Lợi quyết định về quê đưa gia đình vào Gia Lai lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Thời điểm đó, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn khi chỉ trông vào vài sào ruộng. Nhưng rồi, nhờ chăm chỉ làm lụng, dần dần, gia đình cũng tích góp mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất và cải thiện thu nhập.

“Hồi đó, công trình thủy lợi Ayun Hạ chưa có, việc trồng lúa nước còn phụ thuộc vào nước trời nên năng suất thấp. Sau này, khi dòng nước mát Ayun Hạ được đưa về, tôi tập trung canh tác lúa và bắt đầu có tích lũy. Từ đó, tôi xây nhà và nuôi 7 đứa con học đại học. Hiện nay, các con đều có công việc ổn định”-ông Lợi tự hào khoe.

Ông Lợi đã trồng nhiều cây xanh trong sân vườn để làm đẹp nhà và nơi mình sinh sống. Ảnh: H.T

Ông Lợi đã trồng nhiều cây xanh trong sân vườn để làm đẹp nhà và nơi mình sinh sống. Ảnh: H.T

Với tâm niệm đảng viên luôn phải gương mẫu trong mọi việc, trong suốt gần 30 năm gắn bó tại quê hương thứ hai, ông Lợi luôn tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đặc biệt, với uy tín của mình, ông được bầu làm Trưởng ban kiến thiết xây dựng nông thôn mới của thôn.

Không quản ngại khó khăn, mỗi lần thôn tổ chức xây dựng công trình hạ tầng, ông đều tích cực phối hợp với Ban Nhân dân thôn đến từng gia đình để vận động hiến đất, đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng; làm hàng rào bao quanh nhà, tích cực tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Trong 2 năm (2021-2022), thôn Thắng Lợi 2 đã vận động người dân đóng góp hơn 760 triệu đồng để làm hơn 2,3 km đường bê tông. Ngoài đóng góp hơn 5 triệu đồng, gia đình ông còn hiến 62 m2 đất ở để làm đường liên thôn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tống Văn Hiền-Trưởng thôn Thắng Lợi 2-cho hay: Ông Lợi luôn gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động ở cơ sở và đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông cũng là tấm gương sáng trong nuôi dạy các con thành đạt và tích cực giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn cùng phát triển, đặc biệt là đã hỗ trợ gần 1 sào đất cho 1 hộ dân có cuộc sống khó khăn để trồng lúa.

Gần 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Thắng Lợi đã được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhất, nhì, ba); được phong tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ (2 lần), Dũng sĩ quyết thắng (2 lần), Dũng sĩ bắn rơi máy bay, Dũng sĩ đánh cầu, Dũng sĩ diệt thiết giáp.

“Với 58 năm tuổi Đảng và là Đại tá quân đội về hưu, ông Lợi còn tích cực hỗ trợ đội ngũ cán bộ thôn về kinh nghiệm trong công tác quản lý địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Vì thế, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 92,4% và đang phấn đấu đạt 95% vào cuối năm 2024”-Trưởng thôn Thắng Lợi 2 nhấn mạnh.

*

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Lợi tâm sự: “Trước đây, chiến tranh rất ác liệt, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Vì vậy, là một đảng viên và là cựu chiến binh may mắn được trở về, tôi thường tự nhủ phải tiếp tục cống hiến để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Có như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gap-nguoi-7-lan-duoc-phong-tang-danh-hieu-dung-si-post284555.html