Gặp người cựu chiến binh vẫn 'chiến đấu' giữa thời bình
Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 6 (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Nguyễn Đức Nguyên luôn gương mẫu đi đầu, tích cực vận động hội viên, người dân tham gia giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ môi trường.
Trong cái nắng gắt của trưa hè, chúng tôi gặp ông - người chiến sĩ năm xưa đang ngồi nhâm nhi chén trà sau khi vừa tham gia lực lượng tuyên truyền, vận động người dân tự giác trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Ông bảo, với một chiến sĩ cách mạng, dù thời chiến hay thời bình cũng đều phải nỗ lực hết sức để phụng sự nhân dân.
Ngày ấy, ông ra chiến trường, cùng quân dân cả nước không tiếc máu xương, cốt cũng chỉ là để nhân dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Bây giờ vẫn lý tưởng đó, ông dành tâm sức nửa cuộc đời còn lại để sống tốt đời, đem chút sức lực cuối cùng của tuổi già để những người thân, người dân, hàng xóm xung quanh mình được hưởng một môi trường sống sạch sẽ, ngăn nắp, an ninh trật tự.
“Cái tuổi 70 là thất thập cổ lai hy rồi cháu à, đau lưng, mỏi gối là chuyện thường ngày, ấy thế mà nghỉ ngơi thì lại thấy mệt, thấy buồn, người lúc nào cũng bồn chồn đứng ngồi không yên. Có lẽ bởi thế nên ông thích công việc hiện tại, là một cựu chiến binh (CCB) dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tất bật với công việc mọi ngày, thậm chí không có ngày nghỉ.
Những lúc như thế, dường như tuổi trẻ hừng hực ngày nào lại trở về, cảm thấy có động lực lắm. Nhất là khi việc mình làm đem lại lợi ích cho cộng đồng, được mọi người cảm kích, con cháu tự hào, thật sự không có niềm vui nào lớn hơn thế”, ông Nguyễn Đức Nguyên chia sẻ.
Kể về những năm tháng hào hùng trước đó, trong ông vẫn vẹn nguyên những kí ức lịch sử. Năm ấy, cậu thanh niên trẻ mới 17 tuổi, còn đang học dở lớp 9 nhập ngũ với bao nhiêu hoài bão, khát vọng. Lúc bản thân chỉ cao 156cm và nặng 40kg (sức khỏe hạng B1). Mặc dù biết mình không đủ tiêu chuẩn, nhưng với khát vọng được chiến đấu, được cống hiến cho hòa bình, ông vẫn quyết tâm viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ (hiện tại, lá đơn ấy của ông vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Phòng không Không quân).
Nộp đơn tình nguyện từ tháng 8 năm 1964, nhưng mãi đến tháng 7 năm 1965 đơn của ông mới được chấp thuận. Ông được điều lênThái nguyên để huấn luyện tân binh. Chưa đầy một tuần, ông được chuyển về công tác tại đơn vị quản lý xe ở Phú Thọ rồi chuyển về làm lái xe ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) với nhiệm vụ tiếp nhận xe từ bên kia biên giới qua ga Bằng Tường về cung cấp cho các đơn vị.
Năm 1976, được chuyển về đơn vị sửa chữa tăng xích của Cục quản lý xe. Năm 1979 ông tham gia đội sửa chữa tăng xích phục vụ chiến tranh biên giới. Đến năm 1983, ông về địa phương công tác tại một công ty cung ứng vật liệu thuộc Sở Xây dựng Hà Nội hơn 20 năm. Đến 2005, ông nghỉ hưu và tham gia công tác của Tổ dân phố tại địa phương.
Là người lính lái xe xuyên rừng, lội suối, kinh qua bao bão đạn, ông có nhiều kỉ niệm khi suýt “nằm lại” ở chiến trường, điều đó khiến ông luôn khắc cốt ghi tâm, dặn lòng sau này có cơ hội trở về, sẽ luôn cố gắng phấn đấu, hết lòng vì công việc và những người thân yêu. Đến giờ phút này, ông vẫn luôn tự hào với những tấm huân, huy chương do Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng 1, hạng 2, hạng 3; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất…
Là người lính trong thời chiến, điều hạnh phúc nhất là được cống hiến cho tổ quốc, được chiến đấu bên những đồng đội như anh em ruột thịt. Hòa bình lập lại, có điều kiện được gặp gỡ những đồng đội năm xưa, có người cùng chiến trường, có người không cùng chiến trường. Có cả những người đã từng là chiến sĩ, là chỉ huy trong kháng chiến chống Pháp, nhưng họ hiểu nhau, thông cảm cho nhau và giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hàng ngày, trong công tác của địa phương.
Những tình cảm tốt đẹp đó thôi thúc ông tích cực tham gia vào Hội cựu chiến binh của phường. Ngoài ra, tham gia công tác Hội, ông và những người đồng đội năm xưa còn có điều kiện tham mưu cho đảng, cho chính quyền trong công tác xây dựng đảng, cũng như vận động nhân dân thực hiện tốt những chính sách, pháp luật của nhà nước.
Với sự tâm huyết của mình trong công tác ở địa phương, ông được các hội viên, người dân khu phố tin tưởng giao phó trọng trách của một chi hội trưởng, quán xuyến công việc hội cùng sự phối hợp với các đơn vị liên quan tại địa phương. Trên cương vị đó, ông đã chỉ đạo thành lập 5 nhóm tự quản với nòng cốt là các CCB, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi; thứ Bảy hàng tuần làm vệ sinh đường phố, xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép. Ông cũng cùng hội viên CCB và các đoàn thể khác huy động nhân công vớt bèo, vớt rác, thả sen tại hồ Phương Liệt. Sau khi hồ được cải tạo, ông Nguyên tích cực vận động xã hội hóa, cùng người dân ủng hộ hơn 10 ghế đá đặt ven hồ, tạo thành nơi vui chơi cho người cao tuổi và trẻ em khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Thế, Chi hội trưởng Cựu chiến binh 1, phường Phương Liệt, Thanh Xuân Hà Nội chia sẻ, bác Nguyên là người mẫu mực trong sinh hoạt ở địa phương, đồng thời rất năng nổ trong công tác Hội, luôn được anh em hội viên của phường kính trọng. Mặc dù nhiều lúc phải bỏ việc nhà, thậm chí phải tự bỏ chi phí ra để trang trải khi làm việc, nhưng xuất phát từ cái tâm luôn muốn cho địa phương phát triển hơn, văn minh hơn. Chính vì thế mà bác luôn được người dân địa phương nể trọng.
“Bản thân tôi, khi được làm việc cùng với bác cũng cảm thấy rất yên tâm, bác là người bao quát được mọi việc lớn nhỏ và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm khi chúng tôi có những vướng mắc”, ông Thế cho biết thêm.
Các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chủ trương của thành phố Hà Nội luôn được ông cập nhật và phổ biến thường xuyên cho các hội viên cùng người dân ở khu dân cư; kêu gọi các đơn vị, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ tích cực phối hợp vận động người dân nghiêm túc tham gia, hướng dẫn họ các thủ tục hành chính nếu có phát sinh…
Nhờ những đóng góp của những cán bộ gương mẫu như Chi hội trưởng Chi hội CCB Nguyễn Đức Nguyên mà khu dân cư nơi ông sinh sống đã trở thành tổ dân phố điển hình về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân, nhiều năm được phường biểu dương, khen thưởng.
Những người lính đã cống hiến cả tuổi trẻ cho chiến trường, bảo vệ quê hương, đất nước. Hòa bình lập lại, họ lại một lần nữa đem chút sức lực còn lại của mình để làm việc có ích cho địa phương. Những người có tấm lòng như bác Nguyễn Đức Nguyên thật đáng quý, đáng trân trọng.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gap-nguoi-cuu-chien-binh-van-chien-dau-giua-thoi-binh-91308.html