Gặp nhân chứng lịch sử trong mùa thu cách mạng ở Đà Lạt
Đã 76 năm trôi qua, nhưng mỗi khi tháng Tám về, ký ức những ngày Đà Lạt sục sôi trong mùa thu lịch sử lại ùa về, trào dâng, khiến ông Nguyễn Thái Huyền (93 tuổi, ấp Nghệ Tĩnh, Phường 8, Đà Lạt) bồi hồi xúc cảm tự hào.
Ông Nguyễn Thái Huyền (1928) sinh ra ở quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh (xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), năm 1935, ông theo bố mẹ vào Đà Lạt sinh sống và là những cư dân đầu tiên của ấp Nghệ Tĩnh. Trên miền đất mới còn hoang sơ, lạnh lẽo; vừa khai hoang mở đất, lập ấp, lập làng, những người con từ quê hương giàu truyền thống cách mạng lại tiếp tục nhen nhóm lên ngọn lửa đấu tranh. Năm 1940, ấp Nghệ Tĩnh được thành lập với hơn 70 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu, ngôi đình Nghệ Tĩnh cũng được dựng lên giữa ấp, làm nơi hoạt động bí mật. Ông Huyền được học Trường Pháp - Việt (Primaire), nhà ông cũng nuôi giấu một cán bộ đến ấp xây dựng cơ sở cách mạng. Thấy cậu bé nhanh nhẹn, nên các chú cán bộ dìu dắt hoạt động, ông được giao công tác liên lạc đưa thư cho tổ chức. Những chiều tan học ngang qua các bốt đồn Pháp, Nhật để dò biết tình hình; tối đến, ông lại cùng trẻ con trong ấp đến đình để được các chú, các bác dạy kèm việc học. Lên bậc trung học, ông xuống Nha Trang học Trường Kim Yến. Năm 1945, Nhật thay chân Pháp, ông từ Nha Trang trở về Đà Lạt tiếp tục hoạt động trong tổ chức...
Dù ở tuổi 93, nhưng khi nhắc về những ngày ấy, ánh mắt ông ngời sáng tinh anh, rồi chậm rãi kể. Sáng ngày 23/8/1945, hòa trong gần 10.000 người dân ở các phường, ấp, ông cùng dòng người từ ấp Nghệ Tĩnh mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực Chợ Đà Lạt. Các tầng lớp như công nhân, phụ lão, thanh niên, phụ nữ… tay cầm dao, kiếm, cuốc, lao, gậy; các đội tự vệ mặc đồng phục được trang bị dao găm, mã tấu, lựu đạn. Sau khi tổ chức mít tinh, đoàn biểu tình kéo đến bao vây Dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên (nay là nhà số 4 đường Thủ Khoa Huân). Khí thế hừng hực, dòng người vừa đi vừa giương cao cờ, biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc chủ nghĩa”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Trước sức mạnh của quần chúng, Tỉnh trưởng Ưng An hoảng sợ đem nộp con dấu, giấy tờ sổ sách cho Ủy ban Khởi nghĩa và Nhân dân. Sau khi làm chủ Dinh Tỉnh trưởng, đoàn biểu tình kéo đến bao vây đồn bảo an, phá cửa nhà lao đón những đồng chí, đồng bào đang bị giam.
Ngày 24/8/1945, Nhân dân Đà Lạt biểu tình kéo đến Dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh, hay còn gọi là Dinh Tổng đốc Lý (tức Tổng đốc Trần Văn Lý - tổng đốc bốn tỉnh Tây Nguyên lúc bấy giờ: Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận). Trước sức mạnh của Nhân dân, Tổng đốc Trần Văn Lý hoảng sợ, nộp ấn tín cho đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa. Tối ngày 24 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa và những cán bộ tham gia khởi nghĩa họp, đề ra một số công tác trước mắt và thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên gồm 7 thành viên do ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch. Trong suốt 5 ngày sục sôi trên khắp các con đường, ngõ ấp Đà Lạt, ngày 28/8 cuộc nổi dậy khởi nghĩa đã thành công.
Đó là những ngày không ngủ đối với chàng trai 17 tuổi Nguyễn Thái Huyền. Nhân dân ấp Nghệ Tĩnh của ông không chỉ là lực lượng chủ yếu trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền, các anh, các chú, những người dìu dắt ông hoạt động đã tham gia nhiều vị trí chủ chốt trong Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Những ngày tiếp theo, Ủy ban Việt Minh tỉnh, các đoàn thể quần chúng như công nhân, thanh niên, phụ nữ và chính quyền cách mạng ở cơ sở được thành lập. Ông được phân công làm công việc đưa thư, giao liên, sau đó phụ trách điện thoại viên và giao liên nội bộ cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên đầu tiên. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Muôn triệu người vỡ òa niềm hân hoan vui mừng khi đất nước độc lập. Tại Đà Lạt, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên làm lễ ra mắt đồng bào, không khí tự hào khởi phát từ lòng người cũng ngập tràn khắp nơi.
Sau mùa thu ấy, người Pháp quay lại tái chiếm Đà Lạt, những người tham gia cách mạng bị lùng bắt, người thì rơi vào tay giặc, người vào chiến khu. Để tránh tai mắt của địch, ông Nguyễn Thái Huyền trở về quê Nghệ An và tiếp tục vào Huế học để lấy bằng Dip - lôm. Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng mạnh mẽ, phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” khiến tất cả sinh viên rời trường học tham gia kháng chiến. Ông trở về quê Đô Lương - Nghệ An làm Phó ban Tuyên truyền ca kịch lưu động của huyện, rồi gia nhập quân đội, làm việc tại Văn phòng Liên khu 4. Sau ông được điều động ra Tổng cục Quân khí đóng tại ATK (An toàn khu - Thái Nguyên). Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là thành viên Đội 217 làm nhiệm vụ chống bom nổ chậm trên đèo Pha Đin, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau 1954, ông giải ngũ về sống ở quê vợ Ninh Bình, làm Trưởng ban Thông tin văn hóa xã. Năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở nên ác liệt, ông được Tổng cục Bưu điện điều động vào Bưu điện Quảng Bình, tích cực làm giao bưu nối liền huyết mạch thông tin trên đường Trường Sơn.
Đất nước thống nhất, ông đưa vợ con trở lại Đà Lạt làm Chủ tịch Công đoàn ngành Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu, năm 1988. Sau hơn 30 năm, trở về mảnh đất gắn bó thời niên thiếu, ký ức về mùa thu cách mạng, về hai cuộc kháng chiến giờ đây trỗi dậy, trào dâng thôi thúc ông tiếp tục cầm bút viết văn. Ông cho ra đời nhiều tiểu thuyết tình báo, trinh thám về mảnh đất Lâm Viên những năm tháng khó khăn gian khổ và những chiến công anh dũng của cán bộ và Nhân dân Đà Lạt qua các thời kỳ. Trong đó, tiểu thuyết “Thám tử đội Hướng Dương” được ông tái hiện lại những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám sục sôi khí thế. Tiểu thuyết có không gian rộng từ khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến cuộc nổi dậy chống Pháp - Nhật giành chính quyền ở Đà Lạt 1945. Những nhân vật là chiến sĩ cộng sản quả cảm, lăn lộn từ Bắc vào Nam, hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào Nhân dân, làm nên chiến thắng. Ngòi bút của một người “trong cuộc” đã khắc họa sống động những tình tiết chân thật, những pha đấu trí thông minh, dũng cảm của các thành viên đội thám tử - người cộng sản, đầy ắp khí thế dựa vào dân, ẩn trong dân mà chiến đấu. Những cái tên, những địa danh, những cột mốc lịch sử; niềm hân hoan, niềm tự hào của một dân tộc chân trần chí thép qua từng chi tiết “Thanh niên, phụ nữ, nông dân cứu quốc lo đôn đốc tập hợp lực lượng hội viên đến địa điểm quy định. Họ đi tìm cái nỉa, cái xẻng, con dao làm vũ khí”. Trong cuộc giành chính quyền ấy trong niềm hạnh phúc vô bờ, có cả máu và nước mắt...
76 năm đã qua, trong dòng người tiến về khu Hòa Bình, Chợ Đà Lạt mùa thu năm ấy nay đã dần đi về thế giới người hiền, người còn sống ở độ tuổi trên dưới 85 thì không nhớ nhiều vì lúc đó còn quá nhỏ. Với nhà văn Nguyễn Thái Huyền ký ức đẹp đẽ ấy luôn cuộn lên nguyên vẹn, rõ mồn một. Nhìn lên tấm Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng là vinh dự cho một đời theo Đảng làm cách mạng, ông cười hạnh phúc. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, trải qua cả hai cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh, là người Đà Lạt duy nhất tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Thái Huyền thấy mình may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử trọng đại, những mốc son chói lọi của dân tộc, trong đó mùa thu cách mạng tháng Tám là một trong những mốc son rực rỡ nhất.