Gặp những chiến sỹ Điện Biên Phủ trăm tuổi
Lính Điện Biên Phủ năm xưa hầu hết đã khuất núi. Những người còn sống đều trên dưới trăm tuổi. Với họ, dù mắt mờ, chân chậm, ký ức về trận chiến 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' vẫn trỗi dậy vẹn nguyên khi đến mỗi kỳ kỷ niệm. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, các cựu chiến binh vẫn mong mỏi về sự đầu tư trọn vẹn hơn cho các di tích của Điện Biên Phủ…
Những cựu binh già ở Điện Biên
Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên và Hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đến gặp cựu chiến binh Bùi Kim Điều năm nay đã 95 tuổi. Ông Điều quê ở Ninh Bình, nhập ngũ năm 1952 và chiến đấu trong Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, hiện đang sinh sống ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Phạm Đức Cư (ở giữa) là pháo thủ thuộc Tiểu đoàn 394 - Trung đoàn pháo cao xạ 367.
Dù tuổi cao nhưng ông vẫn còn nhớ rất mạch lạc thời điểm ông tham gia chiến dịch. Trong 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, ông là Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312. Đại đoàn của ông hành quân đường bộ từ Thanh Hóa lên Điện Biên trong 25 ngày ròng rã, chủ yếu đi vào ban đêm. Trong câu chuyện, ông nhớ nhất thời khắc anh em trong đơn vị chuyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước giờ phát pháo lệnh chiến đấu. “Tất cả lúc đó sục sôi khí thế quyết chiến”, ông Điều nhớ lại.
Ông tả lại cảnh chiến trường mà ít có thước phim, tài liệu nào ghi hết được. Thời điểm hiện nay, sau hơn 70 năm, chiến trường năm xưa đã thành ruộng đồng xanh mướt và nhà cửa khang trang. “Các mũi tiến công phải luồn qua chiến hào dài hàng chục km được đào suốt ngày đêm. Nhiều đoạn, hào không đi giữa cánh đồng Mường Thanh mà phải len lỏi qua đồi, vượt suối để tránh pháo địch. Chúng tôi đào hào, xẻ núi mà đi. Có đêm, vừa đào vừa nghe tiếng bom nổ ầm trời, vậy mà không ai chùn bước”, ông Điều nói.
Năm nay là năm lẻ nên các chiến sỹ Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên chưa gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa. Tuy nhiên, ông Điều, ông Cư đều mong muốn tổ chức các buổi gặp gỡ thế hệ cựu binh Điện Biên Phủ để các ông ôn lại kỷ niệm, góp phần truyền lửa cho các thế hệ trẻ.
Ông Điều cũng hồi tưởng lại những thời điểm khắc nghiệt nhất mà mình trực tiếp tham gia. “Đúng 17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nã đạn vào cứ điểm Him Lam. Bộ binh chia làm hai mũi đánh thốc vào đồi. Sau gần bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn cả ba ngọn đồi, tiêu diệt hàng trăm lính lê dương, thu toàn bộ vũ khí của địch”, ông kể. Trong trận đánh cứ điểm Him Lam ấy, ông vẫn nhớ như in hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót, đồng đội cùng Đại đoàn 312 với ông đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt lô cốt cuối cùng trên đồi Him Lam.
Chúng tôi may mắn được gặp thêm cựu chiến binh Phạm Đức Cư, 90 tuổi, từng là pháo thủ thuộc Tiểu đoàn 394 - Trung đoàn pháo cao xạ 367 hiện đang sinh sống tại Điện Biên Phủ. Sinh ra tại Thái Bình trong gia đình nông dân nghèo, năm 1949, ông đã nhập ngũ và sau đó được chọn đi học pháo cao xạ tại Trung Quốc. Cuối năm 1953, đơn vị của ông trở về nước mang theo mật danh “Trần Đình”, hành quân vượt núi rừng hiểm trở lên Tây Bắc để đánh cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông là một trong những đơn vị trực tiếp đánh đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của địch. “Trận A1 ác liệt lắm, đánh mãi mà không chiếm được. Phải đến đêm 6 rạng sáng 7/5, sau khi bộ đội ta cho nổ khối bộc phá 960kg, chúng tôi mới tổng xung phong, chiếm được toàn bộ đồi” - ông Cư kể lại.
Ông Cư kể câu chuyện vận chuyển pháo vào trận địa - khâu khó khăn nhất thời điểm đó. “Mỗi khẩu pháo cao xạ 61K-37mm nặng 2,4 tấn, phải bố trí 80 - 100 người kéo. Nhằm đảm bảo bí mật, chúng tôi kéo pháo vào ban đêm, không được soi đèn, chỉ có 2 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu, chỉ cần sơ suất nhỏ là cả người và pháo đều rơi xuống dưới. Anh em rất vất vả, mỗi đêm chỉ kéo được hơn 1km”, ông Cư chia sẻ.
Khi nhắc đến sự hi sinh, mất mát của đồng đội, ông Cư nghẹn ngào nói: “Khi có người mất, cả đơn vị ai cũng buồn thương. Như đồng chí Tô Vĩnh Diện, hai chúng tôi cùng nhau được cử đi học tại Trung Quốc, sau này lại cùng tham gia Điện Biên Phủ. Thế rồi anh Tô Vĩnh Diện hi sinh sớm, đơn vị ai cũng thương tiếc nhưng cũng vì thế mà quyết tâm chiến đấu, chiến thắng”.
Mong di tích Điện Biên Phủ hoàn chỉnh hơn
Theo các cựu chiến binh, những năm qua, cùng với sự quan tâm của trung ương và địa phương, các di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được quy hoạch, bảo vệ, cải tạo xứng tầm. Tuy nhiên, các cựu chiến binh mong muốn tiếp tục có sự đầu tư để hoàn thiện hơn.

Cựu chiến binh Bùi Kim Điều xúc động nhìn lại bức ảnh kỷ niệm cùng đồng đội tại Hầm Đờ Cát.
Cựu chiến binh Bùi Kim Điều cho rằng, trong các di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, địa điểm đóng Sở Chỉ huy Chiến dịch của ta ở Mường Phăng (nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ huy toàn bộ chiến dịch) cần tiếp tục đầu tư thêm. “Đường đi vào đó còn lởm chởm, nhà di tích thì đơn sơ, thiếu hệ thống kết nối. Tôi mong Nhà nước quy hoạch một luồng tham quan khép kín; bắt đầu từ Mường Phăng, qua Him Lam, A1 và kết thúc ở Hầm Đờ Cát… Làm được như vậy sẽ giúp người dân và du khách cảm nhận trọn vẹn chiến dịch và chiến thắng của quân ta”, ông Điều nói.
Ông Cư đề nghị Nhà nước có sự đầu tư tốt hơn đối với di tích ở Mường Phăng. “Tôi thấy, nếu cứ để mãi những tranh tre, nứa gỗ như hiện nay thì có lẽ năm nào cũng phải sửa, thay mới vì mối mọt. Tôi hy vọng, khu di tích có thể được cải tạo, nâng cấp, làm với loại chất liệu bền hơn. Có thể vẫn là tre nứa nhưng có công nghệ để bảo quản bền lâu, hạn chế được việc tu bổ hàng năm, giữ được nguyên bản. Làm sao khi chúng tôi không còn nữa, thế hệ sau này vẫn có thể đến đây học tập, tìm hiểu lịch sử mà cha ông mình đã chiến đấu”, ông Cư mong muốn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gap-nhung-chien-sy-dien-bien-phu-tram-tuoi-post1740268.tpo