Gặp những người 'làm nên lịch sử'

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhưng những câu chuyện về mùa xuân đại thắng vẫn luôn nóng hổi, chạm đến trái tim bao thế hệ.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, cuộc gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử - những người từng trực tiếp góp phần làm nên đại thắng Mùa xuân 1975, như thổi bùng lên ngọn lửa tự hào, hun đúc ý chí cho thế hệ hôm nay.

Các nhân chứng lịch sử kể về ngày đại thắng.

Các nhân chứng lịch sử kể về ngày đại thắng.

Đại tá Từ Đễ, nguyên Phi đội phó Phi đội Quyết Thắng, người trực tiếp ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, kể lại: “Nhận lệnh sử dụng máy bay A37 thu được của địch, lòng ai cũng trĩu nặng, bởi bay trên những chiếc máy bay lạ, mang theo bom thật, rủi ro luôn cận kề. Nhưng không ai do dự. Chúng tôi biết, đánh trúng sân bay Tân Sơn Nhất thì địch sẽ tê liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn".

Trong tiếng bom đạn, mỗi phi vụ bay lên là một lần đối mặt với sinh tử, là một lời khẳng định ý chí sắt đá: vì một Việt Nam thống nhất.

Đại tá Từ Đễ, nguyên Phi đội phó Phi đội Quyết Thắng, người trực tiếp ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, kể về thời khắc cắt bom lịch sử.

Đại tá Từ Đễ, nguyên Phi đội phó Phi đội Quyết Thắng, người trực tiếp ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, kể về thời khắc cắt bom lịch sử.

Phía chiến trường mặt đất, Đại úy Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng 390, cùng đồng đội thuộc Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2, dẫn đầu đội hình tiến công thẳng vào dinh Độc Lập. Đại úy Vũ Đăng Toàn kể: “Xe tôi và xe 843 áp sát cổng dinh. Khi thấy xe 843 bị vướng, tôi quyết định nhấn ga húc đổ cánh cổng sắt. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ nghĩ “phải nhanh hơn, quyết liệt hơn” để kết thúc chiến tranh, đem lại hòa bình cho đất nước".

Tiếng bánh xích xe tăng nghiến nát cánh cổng dinh Độc Lập cũng là tiếng giục giã của một dân tộc bước qua đau thương, mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau đó, tại dinh Độc Lập, Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý tác chiến Trung đoàn 66, cùng đồng đội nhanh chóng triển khai lực lượng, kiểm soát tình hình. "Chúng tôi tiếp cận Tổng thống Dương Văn Minh chỉ trong khoảng 15 phút sau khi vào dinh. Không có sự kháng cự nào đáng kể. Khi áp giải Tổng thống Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng, mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, trật tự”, Trung úy Nguyễn Khắc Nhu nhớ lại.

Khoảnh khắc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã chính thức khép lại 30 năm chiến tranh, mở ra bình minh của đất nước độc lập, thống nhất.

Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý Tác chiến Trung đoàn 66, kể lại thời khắc lịch sử áp dẫn Tổng thống Dương Văn Minh.

Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý Tác chiến Trung đoàn 66, kể lại thời khắc lịch sử áp dẫn Tổng thống Dương Văn Minh.

Những câu chuyện chân thực từ các nhân chứng lịch sử đã khắc họa bức tranh hào hùng của chiến thắng 30/4/1975 - bức tranh được vẽ nên bằng máu xương và lòng quả cảm của hàng triệu người Việt Nam. Không chỉ tồn tại trên những trang sách hay thước phim tư liệu, lịch sử ấy còn sống động, chân thực qua từng lời kể, từng ánh mắt xúc động của những người từng trải.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ đã khép lại bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, thể hiện bản lĩnh kiên cường và trí tuệ Việt Nam. Từ đây, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập gắn liền Chủ nghĩa xã hội.

50 năm sau Mùa xuân đại thắng, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân tộc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tinh thần ấy đang được thế hệ trẻ hôm nay nối tiếp. Đại úy Đặng Kim Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 23, Tiểu đoàn Tây Đô, đại diện sĩ quan trẻ lực lượng vũ trang thành phố, bày tỏ: “Chúng tôi nguyện khắc sâu truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh, nỗ lực học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”./.

Khánh Phong

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/gap-nhung-nguoi-lam-nen-lich-su-a38572.html