Gấp rút gỡ khó đăng kiểm tàu thủy

Bộ GTVT đề xuất sửa đổi nhiều quy định về đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa giúp mở rộng phạm vi tuyển dụng, trong bối cảnh đang bị thiếu hụt nhân lực.

Chủ tàu mòn mỏi chờ đăng kiểm

Cách đây hơn một tháng, ông T (trú tại Hải Dương) bị xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng do phương tiện thủy nội địa hết hạn kiểm định nhưng vẫn sử dụng để chở vật liệu xây dựng.

Tình trạng thiếu nhân lực đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa diễn ra ở nhiều địa phương.

Tình trạng thiếu nhân lực đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa diễn ra ở nhiều địa phương.

Ông T cho biết, trước đó hai tháng, ông làm hồ sơ đề nghị đăng kiểm phương tiện nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy đăng kiểm viên xuống kiểm tra.

"Trước đây, cứ gần hết hạn kiểm định, tôi liên hệ chi cục đăng kiểm, làm thủ tục xong là có đăng kiểm viên xuống kiểm tra.

Chưa bao giờ phải chờ lâu như đợt này. Hợp đồng vận chuyển đã ký kết, vi phạm sẽ phải đền bù rất lớn, tôi đành phải đưa tàu hết hạn kiểm định vào hoạt động", ông T phân bua.

Trong khi đó, chiếc tàu của anh N (ở Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng mất gần một tháng phải nằm không tại bến, lãi ngân hàng vẫn phải trả mỗi ngày, do đã hết hạn kiểm định.

"Đơn vị đăng kiểm báo đang thiếu người nên tiến độ kiểm định tàu bị chậm, không chỉ tôi mà nhiều chủ tàu khác cũng rơi vào cảnh có tàu không thể kinh doanh. Tàu đỗ càng lâu thiệt hại càng lớn, lên đến cả trăm triệu đồng", anh N than thở.

Theo tìm hiểu, tình trạng thiếu nhân lực đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải ở các địa phương.

Liên tiếp nhiều tháng qua, Cục Đăng kiểm VN nhận được đơn đề nghị hỗ trợ từ các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, Điện Biên, Hải Dương… do trung tâm đăng kiểm thuộc sở GTVT các tỉnh này không đủ nhân lực.

Cục đã phân công các chi cục trên cả nước tạm thời đảm nhận song khối lượng công việc lớn, dù các chi cục đã tăng ca, làm thêm giờ vẫn bị chậm.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, đơn vị có 18 đăng kiểm viên (bao gồm 3 lãnh đạo) nhưng do cử người hỗ trợ các chi cục khác nên chỉ còn 9 đăng kiểm viên làm việc.

Thời gian gần đây, nhu cầu tăng cao, nhiều chủ tàu ở Hà Nội, Hải Dương chờ đến lượt kiểm định tại các chi cục trên địa bàn quá lâu, đã đổ dồn xuống Quảng Ninh nộp hồ sơ, khiến Chi cục số 15 rơi vào cảnh quá tải.

Đề xuất sửa quy định, bổ sung đăng kiểm viên

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa cho biết, nhiều địa phương hiện nay gặp khó khăn trong tuyển dụng đăng kiểm viên phương tiện thủy đáp ứng tiêu chuẩn.

Các phương tiện đổ về các chi cục thuộc Cục Đăng kiểm VN trong bối cảnh nhân lực hạn chế, nhiều đơn vị thiếu người do phục vụ công tác điều tra.

Trước đây, tính tự động hóa chưa cao, khi kiểm định, đăng kiểm viên phải xuống tàu thực hiện nhiều công đoạn thủ công nên đòi hỏi tiêu chuẩn đầu vào cao, thời gian thực tập dài, khắt khe. Nhưng các tàu hiện nay được chế tạo rất hiện đại, lại ứng dụng nhiều công nghệ nên việc kiểm định không còn phức tạp.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa

"Có những đơn vị đóng tàu xong 3 tháng vẫn phải nằm chờ đăng kiểm trong khi tiền vay ngân hàng lên đến 30 tỷ đồng/tàu, mỗi tháng lãi ngân hàng đã 300 triệu đồng", ông Liêm dẫn chứng.

Được biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, trong đó đề xuất sửa đổi nhiều quy định về tiêu chuẩn của đăng kiểm viên.

Theo đó, với đăng kiểm viên hạng III chỉ quy định tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa, vận hành tàu thuyền... So với quy định hiện hành, đề xuất này không còn phân biệt tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hay trung cấp nghề.

Đối với tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II cũng thay đổi yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào từ tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền thành tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật; Giảm thời gian giữ hạng III liên tục từ 36 tháng thành 12 tháng.

Trong khi đó, tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I cũng chỉ quy định là đăng kiểm viên hạng II có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu 24 tháng thay vì 36 tháng như trước đây.

Về tiêu chuẩn đăng kiểm viên thẩm định thiết kế, dự thảo thay đổi yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào từ tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, điện tàu thủy thành tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật.

Đối với tiêu chuẩn đăng kiểm viên hạng III, II, hạng I và đăng kiểm viên thẩm định thiết kế còn đề xuất bỏ yêu cầu về ngoại ngữ, thời gian thực tập, chỉ yêu cầu đủ khối lượng thực tập theo quy định.

Về quy định tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng I, II, dự thảo đề xuất không nhất thiết phải còn thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng kiểm viên, kể cả khi bổ nhiệm cũng như khi đang là lãnh đạo.

Điều này giúp tận dụng được nguồn nhân lực đăng kiểm viên dày dạn kinh nghiệm, đã về hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe.

Theo ông Trần Minh Đức, quy trình kiểm định phương tiện thủy nội địa hiện được quy định rất cụ thể, chặt chẽ, chỉ cần người có kinh nghiệm, trải qua tập huấn nghiệp vụ về quy trình là hoàn toàn có thể đảm nhận được công tác này. Bởi vậy, việc hạ tiêu chuẩn đầu vào đăng kiểm viên là phù hợp.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gap-rut-go-kho-dang-kiem-tau-thuy-192231012230858968.htm