Gấp rút hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ blockchain
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN cho rằng Việt Nam cần gấp rút hoàn chỉnh hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng.
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ blockchain trong nền kinh tế số” ngày 29.9, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.
“Ứng dụng blockchain trên thế giới rất mạnh mẽ, trong nhiều lĩnh vực với quy mô ngày càng lớn. Chiến lược đổi mới sáng tạo và công nghệ đến năm 2030 là ứng dụng khoa học mới vào trong các lĩnh vực. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội và công nghệ sáng tạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ ưu tiên các ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain...”, ông Huy nêu.
Theo ông Huy, hiện nay, nhiều luật, nghị quyết đã được Quốc hội đưa ra với mục đích ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống như: Dự án Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề cập đến chiến lược chuyển đổi số quốc gia...
Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành quy định quản lý tài sản số nhằm tăng cường bảo vệ người dùng, nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng.
“Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng”, ông Huây nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA khuyến nghị rằng việc thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý.
Ông Trung đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như tiền ảo (VA), tiền mã hóa (CA), tài sản số (DA) dưới góc độ Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.
Theo ông Trung, tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật. Điều này thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng 13.
Ngoài ra, đại diện VBA cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự để các cơ quan pháp luật; tòa án ở các địa phương áp dụng trong việc xử lý những vi phạm khi ứng dụng công nghệ số thực hiện các hành vi phạm pháp.
Bà Lưu Hương Ly - Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng một số người khởi nghiệp lo ngại về tài sản ảo, tội phạm lừa đảo khi sử dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Để giảm thiểu lo lắng trên, theo bà Lưu Hương Ly, bên cạnh những thuận tiện, lợi ích của công nghệ blockchain, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu công nghệ blockchain và các tài sản ảo, tiền ảo có những rủi ro gì để có sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ hay thay đổi về khung khổ pháp lý một cách kịp thời.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia đóng góp cho hội thảo. Những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cũng là cơ sở để ủy ban nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan nhằm có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra khi ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain vào đời sống một cách hiệu quả.