Gấp rút sửa đổi Nghị định 123, gỡ khó cho doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ đã bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, các nội dung sửa đổi đang hướng mục tiêu phù hợp nhất với thực tế của các doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đã đề nghị các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế cần rà soát nhanh nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123. Nghị định 123 được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, thông qua việc nắm tình hình diễn biến của nền kinh tế và thực tế sản xuất kinh doanh trong nước, Tổng cục Thuế đánh giá Nghị định 123 đã bộc lộ một số hạn chế.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế, ông Lưu Đức Huy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách đã khẩn trương tổ chức triển khai việc dự thảo nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123.
“Đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn thành bước Dự thảo và một số điểm tại dự thảo mặc dù còn có những ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, chi tiết để tìm ra giải pháp tối ưu, nhưng tinh thần chung là hướng đến tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế như lãnh đạo Tổng cục Thuế đã chỉ đạo”, Vụ trưởng Lưu Đức Huy chia sẻ.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp đó là quy định về thời điểm lập hóa đơn trong trường hợp hàng hóa trả lại. Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, vì vậy theo bà Nguyễn Thị Cúc, dự thảo cần phải có quy định rõ hơn; đồng thời bổ sung thêm nội dung về việc thực hiện nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với nhà đầu tư nước ngoài.
Một số ý kiến cho rằng: Dự thảo Nghị định cần được xây dựng theo hướng vận dụng triệt để cơ chế phối hợp được quy định tại Luật Quản lý thuế đối với các cơ quan, tổ chức và người có liên quan như: Cơ quan công an, các tổ chức tín dụng, sàn thương mại điện tử…, phối hợp và hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện hiệu quả công tác quản lý hóa đơn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm quan trọng nhất của Nghị định 123 là chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT). Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 123 cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt, tình trạng mua bán, gian lận hóa đơn giả. Ông Đậu Ánh Tuấn cho rằng: Cơ quan Thuế đã rất nỗ lực kiểm soát vấn đề này thông qua việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tuy nhiên vẫn cần thời gian để AI phát huy hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, Điều 15 Nghị định số 123 hiện quy định rõ về việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, qua rà soát dữ liệu hóa đơn điện tử trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế đã phát hiện nhanh một số trường hợp xuất hóa đơn điện tử với doanh số lớn “đột biến”. Ngoài ra cơ quan cảnh sát điều tra tại một số tỉnh cũng đã thực hiện điều tra một số vụ án liên quan gian lận xuất hóa đơn điện tử khống.
Thực tế áp dụng HĐĐT thời gian qua phát sinh trường hợp do việc đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ nên một số đối tượng thành lập doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ lấy pháp nhân, sau đó, đăng ký sử dụng HĐĐT qua mạng và thực hiện hành vi bán khống hóa đơn điện tử.
Trước những bất cập trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung tại Điều 15 các quy định phòng ngừa gian lận. Theo đó, ở khâu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, hệ thống của Tổng cục Thuế sẽ tự động đối chiếu thông tin về nhân thân người đại diện theo pháp luật, nhân thân của chủ hộ cá nhân tại Hệ thống Định danh và xác thực điện tử (VneID), trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài.
Trường hợp kết quả xác thực người đại diện theo pháp luật khớp đúng, cơ quan thuế sẽ chấp thuận thông báo sử dụng hóa đơn điện tử; trường hợp xác thực không khớp đúng hoặc không có thông tin hoặc thuộc diện rủi ro cao thì người nộp thuế thực hiện giải trình.