Gặp Thủ tướng, Tập đoàn công nghệ hàng đầu Ấn Độ cam kết đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam

Lãnh đạo HCL đánh giá cao tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng trong lĩnh vực này.

Khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực quan trọng với Việt Nam

Chiều 31/7, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (NICDC) - đơn vị thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch NICDC đã giới thiệu về các hành lang công nghiệp, vai trò của các hành lang này đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Ấn Độ.

 Thủ tướng tiếp ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (NICDC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng tiếp ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (NICDC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là sáng kiến tiên phong của Ấn Độ nhằm phát triển các thành phố công nghiệp mới, thành phố thông minh, tích hợp công nghệ thế hệ tiếp theo, đặc biệt là ngành bán dẫn, cách mạng hóa sản xuất và công nghiệp để củng cố vị thế của Ấn Độ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, một cường quốc sản xuất.

Ấn Độ đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2026; Dholera thuộc bang Gujarat là thành phố bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ…

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo NICDC đã trao đổi về các kinh nghiệm, chính sách đáng chú ý, nhất là công tác quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, địa phương; đầu tư phát triển hạ tầng, giảm chi phí logistics; thủ tục đầu tư, chuyển đổi số; cơ chế huy động nguồn lực, ưu tiên cho một số lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng sạch...

 Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo NICDC trao đổi về các kinh nghiệm, chính sách đáng chú ý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo NICDC trao đổi về các kinh nghiệm, chính sách đáng chú ý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao mô hình hoạt động, quy mô, tầm nhìn, vai trò của NICDC đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới.

Cho rằng đây là mô hình hay với nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Ấn Độ và NICDC, có thể lập tổ công tác để hợp tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ONGC Arun Kuma Singh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, cạn kiệt tài nguyên và già hóa dân số là hai vấn đề lớn của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng có thể đối mặt nếu không có giải pháp.

Ông đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ONGC ký kết thỏa thuận nghiên cứu lâu dài, liên tục với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực quan trọng với Việt Nam, hợp tác năng lượng cũng rất quan trọng trong quan hệ hai nước; đánh giá cao hoạt động hợp tác, đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam; hoan nghênh các kế hoạch phát triển, mở rộng hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.

Cam kết đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam

Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL.

 Thủ tướng tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu của thời đại. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác chuyển giao công nghệ với các sản phẩm về công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan sản xuất chip, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao hoạt động của HCL đối với sự phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Ấn Độ và các quốc gia khác mà tập đoàn có chi nhánh, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, đặt hàng với các đối tác Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với ưu tiên phù hợp, giá cả phải chăng, cạnh tranh.

Lãnh đạo HCL đánh giá cao tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng trong lĩnh vực này.

Tập đoàn này coi Việt Nam là địa điểm đầu tư chiến lược và cam kết đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập.

HCL được thành lập vào năm 1976, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có văn phòng tại hơn 60 quốc gia và gần 220.000 nhân viên. Dịch vụ của HCL được sử dụng rộng rãi trong các ngành như tài chính, sản xuất, viễn thông, bán lẻ, dầu khí, hàng không - quốc phòng, ô tô, hóa chất và chế biến, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, vận tải và logistics…

HCL đã đầu tư khoảng 20 triệu USD để thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 2020 và TPHCM vào năm 2021. Doanh thu tại Việt Nam năm tài chính vừa qua đạt 16,5 triệu USD, tạo ra khoảng hơn 1.000 việc làm.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gap-thu-tuong-tap-doan-cong-nghe-hang-dau-an-do-cam-ket-day-manh-hop-tac-voi-cac-doi-tac-viet-nam-post176943.html