Gắp viên bi thủy tinh trong dạ dày trẻ 5 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã nội soi gắp một viên bi thủy tinh trong dạ dày bé trai 5 tuổi.

Viên bi sau khi được gắp ra khỏi dạ dày của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Viên bi sau khi được gắp ra khỏi dạ dày của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi, trẻ vô tình nuốt viên bi nhựa, sau đó bị đau bụng và nấc nhiều. Hình ảnh CT.Scanner ổ bụng cho thấy dị vật dạng hình tròn trong hang vị dạ dày. Dị vật được gắp ra là một viên bi tròn thủy tinh màu xanh, đường kính 15mm. Hiện, trẻ đã được xuất viện.

Theo các bác sĩ, phần lớn dị vật đều đi qua họng vào ống tiêu hóa, sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ. Tuy nhiên, khoảng 10 - 20% dị vật gây nguy hiểm. Chúng gây ra các triệu chứng cho trẻ như: Nôn, nuốt đau, nuốt khó, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu… Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm, đôi khi muộn sau vài ngày hoặc thậm chí vài tháng do dị vật có thể gây tắc nghẽn, loét và chảy máu ống tiêu hóa, cũng như giải phóng chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.

Các dị vật khi bị kẹt tại ống tiêu hóa thường gặp nhất là thực quản, chiếm hơn 50% các trường hợp dị vật tiêu hóa. Đôi khi, dị vật cũng có thể nằm tại dạ dày và ruột trong thời gian dài.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ chơi những vật có kích thước nhỏ, sắc, nhọn, dễ nuốt như: Viên bi, nam châm, đồng xu, cúc áo, pin, nhẫn, tăm… để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu không may bị dị vật đường tiêu hóa, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gap-vien-bi-thuy-tinh-trong-da-day-tre-5-tuoi-post715378.html