GAS kéo VN-Index hồi lại giữa phiên

Diễn biến 3 sàn xấu đi chút ít so với đầu phiên, VN-Index giảm hơn 2 điểm nhưng hiện đã hồi về sát tham chiếu nhờ công lớn của GAS. Số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá trên sàn HOSE vẫn khá cân bằng, và chưa bên nào chiếm quá 50%.

 GAS kéo VN-Index hồi lại giữa phiên

GAS kéo VN-Index hồi lại giữa phiên

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm hầu như không đáng kể so với chiều qua, thị trường chờ tin tích cực. Trên sàn HOSE, thị trường nhìn chung vẫn khá tích cực, với sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng, bán lẻ hay cả BĐS, tuy nhiên số lượng cổ phiếu đứng giá ngay ATO còn rất nhiều, và 2 nhóm tăng hay giảm giá đều có số lượng cổ phiếu chiếm chưa đến 40% tổng số mã có khớp lệnh. Mùa BCTC quý 2 đã bắt đầu, 1 số công ty đã được cho là công bố sớm số ước tính, và thị trường vẫn đang chờ tin tích cực.

Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE chỉ có 3 mã giảm giá khi mở cửa là ACB, STB và VIB, ngược lại có đến 8 mã tăng giá. Tuy nhiên mức tăng hay giảm giá nói chung rất thấp, cao nhất chỉ là EIB tăng 0.5%. Dù vậy ngân hàng vẫn được kỳ vọng là nhóm đỡ chỉ số hôm nay, sau phiên chiều qua tích cực.

Nhóm phân phối điện thoại và các sản phẩm điện tử như MWG, FRT, DGW, PSD sáng nay đều mở cửa tăng giá khá tốt, kỳ vọng vào quý 2 tích cực hơn (so với quý 1 ảm đạm vừa qua) và thông tin về thuế VAT.

Nhiều Large Cap trên sàn HNX vẫn chưa có động tĩnh gì trong 15 phút đầu tiên (cho đến khi HOSE mở cửa), ngoại trừ số ít tăng giá nhẹ như MBS, PVS hay IDC. Tuy nhiên nhóm Large Cap sàn UPCoM đã sớm có dao động phân hóa khá rõ, với những mã tăng giá như ACV, SIP, VEA, VGI… đối ngược với MCH, MSR, OIL, QNS…

Nhóm dầu khí có thể coi là tích cực nhất trên 3 sàn, so với nhiều nhóm ngành lớn khác, với đa số cổ phiếu tăng giá, trong đó có GAS, PVS, BSR, POW, PVD…

HVN giảm ngay hơn 5% sau khi có tin sắp tới chỉ được giao dịch vào buổi chiều, sau khi bị HOSE đưa vào diện hạn chế giao dịch, bất chấp thông tin mới nhất từ chính doanh nghiệp, rằng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Có vẻ như NĐT lo sợ cổ phiếu này sẽ bị rời sàn HOSE hơn là kỳ vọng tăng giá theo triển vọng phục hồi của doanh nghiệp, dù rằng ngay cả khi phải rời HOSE, HVN vẫn có thể lên giao dịch ngay trên UPCoM.

Đến giữa phiên, diễn biến 3 sàn xấu đi chút ít so với đầu phiên, VN-Index giảm hơn 2 điểm nhưng nhờ công lớn của GAS nên đã hồi về sát tham chiếu. Số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá trên sàn HOSE vẫn khá cân bằng, và chưa bên nào chiếm quá 50%.

GAS bắt đầu chạy sau 9h30, nhưng phải qua 10h thì cổ phiếu này mới thực sự tăng mạnh, hiện tăng hơn 2% và có thể coi là yếu tố chính kéo chỉ số hồi về lại gần tham chiếu. Tuy nhiên diễn biến tại GAS có vẻ như chưa lan tỏa sang các mã dầu khí khác nhà PVN, dù sắc xanh đang có vẻ lấn át. Các tên tuổi lớn khác như PVS, PVD vẫn dao động quanh tham chiếu, BSR, OIL hay POW còn quay đầu giảm nhẹ.

Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE có 5 mã giảm giá, trong đó có 2 mã lớn gốc nhà nước là CTG và VCB, cộng với STB, TCB và MSB. Ngược lại, ACB và VIB đã hồi về tham chiếu. EIB vẫn là cổ phiếu tăng tốt nhất nhưng chưa đến +1%.

Nhóm BĐS cả nhà ở lẫn khu CN trên HOSE đều đang chìm dần trong sắc đỏ. Ở các mã vốn hóa lớn mà giảm giá, có cả bộ ba nhà VIN là VIC, VHM và VRE, và có thêm NVL nhưng riêng PDR lại tăng nhẹ. Ở nhóm tầm trung, sắc đỏ cũng đang lan tràn, nhưng vẫn còn DIG hay một số smallcap tăng giá như KHG, ITC, NBB, LGL, TDH… Ở bên BĐS khu công nghiệp có KBC, SZC giữ được sắc xanh, nhưng BCM, LHG, PHR… đều giảm nhẹ.

Nhóm chứng khoán sau khởi đầu phân hóa, thì đến giữa phiên sáng lại có vẻ cùng dắt tay nhau mà tăng giá. Gần như các mã lớn trong Top đầu thị phần đều tăng giá, trong đó nổi lên nhất là VCI và tiếp đó là MBS. Ở các mã nhỏ hơn, cũng không ít tăng hơn 1-2%, ví dụ như BVS, BSI, AGR, CTS…

Chỉ số HNX-Index cũng rơi xuống dưới tham chiếu tương tự VN-Index, và bất ngờ là lại đang có khá nhiều Large Cap sàn này tăng giá, bao gồm IDC, MBS, PVS, SCG VCS, SHS… ở chiều giảm giá, chỉ có NVB là giảm hơn 1%.

VGG bất ngờ nổi bật trong nhóm dệt may, với mức tăng gần 8%. Đáng chú ý là cổ phiếu sàn UPCoM này cũng có lượng khớp khá ổn, chứ không phải tăng nhờ 1-2 deal nào đó. Ngoài ra, nhóm dệt may cũng có khá nhiều cổ phiếu khác tăng giá, dù không quá nổi bật, ví dụ như GIL, MSH, PPH, TNG… và cả VGT.

HVN vẫn giảm giá gần 5%, nhưng lượng khớp tăng vọt lên hơn 4 triêu cổ phiếu, gấp gần 4 lần cả ngày hôm qua.

Kết phiên sáng, sắc xanh đang chiếm ưu thế hoàn toàn khi nhìn vào tổng thể các ngành. Trong đó, ngành bán lẻ đang là ngành tăng mạnh nhất với mức tăng 2.36%. Ở chiều ngược lại, bất động sản là ngành giảm mạnh nhất với mức giảm 0.62%.

Khối ngoại bán ròng gần 13 tỷ đồng trên sàn HOSE với khối lượng bán nhiều nhất đang là cổ phiếu VNM. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 2 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở cổ phiếu TNG.

Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 3,44 điểm, xuống mức 1,131.18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 255.361 triệu đơn vị, tương ứng hơn 5,479.128 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 270 mã giảm giá.

Rổ VN30 giảm hơn 4 điểm, tương ứng 1,125.69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 65.399 triệu đơn vị, tương ứng 2,044.980 tỷ đồng. Toàn sàn có 6 mã tăng , 3 mã tham chiếu và 21 mã giảm giá.

Giao dịch nhiều nhất và cũng có tỷ lệ tăng mạnh nhất trong rổ VN30 là SSI với hơn 10 triệu đơn vị được khớp lệnh, tăng 0,8%,. Vua thép HPG có khối lượng giao dịch đứng thứ 2 trong rổ, với hơn 8 triệu đơn vị được khớp lệnh, tiếp sau là NVL, PDR mặc dù cuối phiêu những cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ.

Giảm nhất trong rổ là VHM với -2%, dù khối lượng giao dịch không nhiều song cũng góp phần kéo thị trường đi xuống.

HNX-Index giảm 1,24 điểm, ở mức 226.60 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 33.060 triệu đơn vị, tương đương 595.585 tỷ đồng. Toàn sàn có 39 mã tăng, 65 mã tham chiếu và 98 mã giảm giá.

UPCOM-Index giảm nhẹ, ở mức 85.39 điểm, khối lượng giao dịch đạt 17.069 triệu đơn vị, tương ứng 234.141 tỷ đồng. Toàn sàn có 85 mã tăng, 87 mã tham chiếu, 120 mã giảm giá.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gas-keo-vn-index-hoi-lai-giua-phien-342972.html