Thị trường chứng khoán 1/7: đầu phiên áp lực bán, cuối phiên VN-Index bật tăng hơn 9 điểm do cầu bắt đáy xuất hiện

Mặc dù chỉ số giằng co ngay từ đầu phiên với áp lực bán gia tăng song kết phiên lại là màu xanh của các chỉ số. VN-Index tăng 9,24 điểm, lên mức 1.254,56 điểm; HNX-Index tăng 0,97 điểm, lên mức 238,56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 435 mã tăng và bên bán có 326 mã giảm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 22 mã tăng, 7 mã giảm và 1 mã tham chiếu.

 Thị trường chứng khoán 1/7: đầu phiên áp lực bán, cuối phiên VN-Index bật tăng hơn 9 điểm do cầu bắt đáy xuất hiện

Thị trường chứng khoán 1/7: đầu phiên áp lực bán, cuối phiên VN-Index bật tăng hơn 9 điểm do cầu bắt đáy xuất hiện

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index tăng điểm nhẹ trước khi quay đầu giảm hơn 2 điểm về mức 1.243 điểm. Trong đó, 13 mã tăng trần, 203 mã tăng giá, 226 mã giảm giá và 7 mã giảm sàn.

Dữ liệu mới đây cho thấy chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.

Các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh hơn chủ yếu phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng thành mức chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng đầu tiên thu thập dữ liệu khảo sát vào tháng 3/2011.

Các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như MSN, BID và VPB dẫn đầu nhóm kéo chỉ số với mức tăng gần 1 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu như FPT, GVR và TCB đang đè thị trường với tổng mức kéo giảm gần 1.5 điểm.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản tiếp tục tăng trưởng ổn định trên thị trường khi hầu hết các mã đều giữ mức xanh. Trong đó, các mã tăng tốt như ASM tăng gần 1%, VHC tăng 0,86%, IDI tăng 1,33%, FMC tăng 0,61% và CMX tăng 0,48% và ACL tăng 1,96%.

Bên bán tiếp tục chi phối thị trường qua đó khiến các chỉ số chính tiếp tục giằng co và nối dài xu hướng điều chỉnh trước đó. Tính đến 10h30, VN-Index giảm 0,96 điểm, giao dịch quanh mức 1.244 điểm. HNX-Index giảm 0,29 điểm, giao dịch quanh mức 237 điểm.

Tuy thông tin về PMI tháng 6/2024 vừa được công bố khá tích cực với mức tăng mạnh gần 55 điểm nhưng độ rộng của rổ VN30 với sắc đỏ có phần lấn lướt hơn với các cổ phiếu như FPT, TCB, ACB vẫn chưa thể thoát khỏi áp lực bán mạnh khi lần lượt lấy đi 1,35 điểm, 1,17 điểm và 0,55 điểm từ chỉ số VN30-Index. Trong khi đó, MWG, MSN, VPB đã có sự phục hồi trở lại cùng với mức đóng góp hơn 2,4 điểm vào chỉ số chung.

Dẫn đầu đà giảm hiện tại là ngành công nghệ và thông tin có mức giảm 0,97% và diễn biến phân hóa mạnh với lực bán chiếm ưu thế. Trong đó, sắc đỏ tập trung ở các mã như FPT (-1,46%), CTR (-2,2%), SGT (-3,73%), ICT (-6,43%)… phần lớn các mã còn lại đều đang ở trạng thái tham chiếu, chỉ có mã CMG (+0,66%) và ITD (+4,6%) vẫn duy trì được lực mua tích cực.

Theo sau là nhóm ngành thiết bị điện cũng giảm khá mạnh. Cụ thể, lực bán ghi nhận tập trung ở các ông lớn trong ngành như GEX (-0,68%), CAV (-0,72%), RAL (-0,6%), SAM (-0,14%).

Ngoài ra, nhóm bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng 1,04% khá lạc quan khi thông tin giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 01/07-31/12/2024 bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, nhóm này cũng có diễn biến khá phân hóa khi các ông lớn trong ngành lại có sự tăng giảm đan xen. Cụ thể, MWG (+2,88%), PNJ (-0,84%) và FRT (-0,96%).

Ở chiều ngược lại, nhóm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ diễn biến khá tích cực và dẫn đầu nhóm nâng đỡ thị trường với mức tăng 2,15%. Trong đó, TV2 (+3%), TV3 (+0,79%) và KPF (+0,33%) là các mã chính góp phần trong đà tăng của ngành này. Riêng TV4 (-1,4%) vẫn bị lực bán kiểm soát.

So với đầu phiên, các mã tham chiếu vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn nhưng bên bán tiếp tục chiếm ưu thế với số mã giảm là 335 mã và số mã tăng là 257 mã.

Do phiên trước đó giảm mạnh nên tâm lý của nhà đầu tư khá thận trọng. Đến cuối phiên sáng nay, thanh khoản ghi nhận ở mức rất thấ cho thấy tâm lý khá thận trọng, một phần ảnh hưởng do phiên giảm mạnh trước đó. Khối ngoại bán ròng ồ ạt gần 492 tỷ đồng khiến cho các chỉ số chính đều quay đầu giảm điểm. Khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 186 triệu đơn vị, với giá trị vỏn vẹn gần 5 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch chỉ đạt 22 triệu đơn vị, tương đương 361 tỷ đồng. Nếu thị trường tiếp tục diễn ra ảm đạm trong phiên chiều thì khả năng khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên.

Diễn biến của các ngành trong phiên sáng không có thay đổi đáng kể khi đa số các ngành đều giao dịch giằng co. Riêng ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ vẫn giữ được phong độ dù thị trường chung đang giao dịch khá ảm đạm. Cụ thể, TV2 và TV3 tăng tốt với mức tăng lần lượt là 3,78% và 1,57% song TV3 đã đạt mức thanh khoản rất tốt trong phiên sáng, trong khi thanh khoản của TV2 vẫn nằm dưới trung bình 20 phiên.

Ngành bảo hiểm cũng giao dịch khả quan khi sắc xanh xuất hiện trên diện rộng, trong đó PTI tăng mạnh 4,7% và PRE tăng 1,06%. Riêng các mã cổ phiếu như BVH, PVI và BMI tạm thời giữ mức tăng nhẹ trong phiên sáng.

Các nhóm ngành còn lại bao gồm ngành chế biến thủy sản, ngân hàng, chứng khoán, sản xuất hàng gia dụng và tiện ích… đều giao dịch ảm đạm và có sự phân hóa mạnh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 3,82 điểm, tạm thời dừng ở mức 1.241.5 điểm; HNX-Index giảm 1,01 điểm, dừng ở mức 236,57 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 412 mã giảm và 246 mã tăng. Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 16 mã giảm và 14 mã tăng.

Bước vào phiên chiều, VN-Index giao dịch khá thuận lợi khi lực cầu xuất hiện trở lại giúp chỉ số phục hồi và đóng cửa trên mốc tham chiếu khi kết phiên. Về mức độ ảnh hưởng, CTG, MWG, VCB và BID là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 4,8 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, FPT, TCB, POW và LPB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1,6 điểm của chỉ số chung.

HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, trong đó chỉ số được tác động tích cực từ các mã DTK (-5,76%), MBS (-2,25%), SHS (-1,79%), PVI (-1,77%)…

Ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 4,88% chủ yếu đến từ các mã TV2 (+6,56%), KPF (+1,32%) và TV3 (+0,79%). Theo sau là ngành bán lẻ và ngành sản xuất hàng gia dụng với mức tăng lần lượt là 3,34% và 1,45%.

Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ và thông tin có mức giảm mạnh nhất thị trường với -0,98% chủ yếu đến từ mã FPT (-1,46%), SGT (-3,39%), GLT (-6,6%) và ICT (-6,75%).

Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 827 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FPT (249,4 tỷ), TCB (91,64 tỷ), DGC (80,81 tỷ) và VHM (68,47 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 9 tỷ đồng, tập trung vào mã IDC (10,94 tỷ), VGS (4,81 tỷ) và TNG (3,77 tỷ).

Nhưng cần lưu ý thanh khoản thị trường khá eo hẹp với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 433 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt gần 12 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 48 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 870 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,24 điểm lên mức 1.254,56 điểm; HNX-Index tăng 0,97 điểm, lên mức 238,56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 435 mã tăng và bên bán có 326 mã giảm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 22 mã tăng, 7 mã giảm và 1 mã tham chiếu.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-17-dau-phien-ap-luc-ban-cuoi-phien-vn-index-bat-tang-hon-9-diem-do-cau-bat-day-xuat-hien-386244.html