GAVI kỳ vọng huy động được gần 12 tỷ USD vaccine cho các nước nghèo nhất
GAVI hy vọng tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các chính phủ và các tổ chức quốc tế sẽ tài trợ khoảng 11,9 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng ở những quốc gia nghèo thế giới trong 5 năm.
Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) dự kiến sẽ huy động được khoảng 11,9 tỷ USD từ các chính phủ và tổ chức tại hội nghị ngày 20/6 để tài trợ cho các chương trình tiêm chủng ở những quốc gia nghèo thế giới trong vòng 5 năm.
Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh GAVI diễn ra ở Paris (Pháp), các nhà tài trợ sẽ đưa ra cam kết cho chương trình của tổ chức này trong giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, kế hoạch tài trợ 1 tỷ USD riêng biệt nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine ở châu Phi cũng sẽ được công bố tại sự kiện này.
GAVI thường giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine để bảo vệ người dân trước những căn bệnh gây chết người. Kể từ năm 2020, khoảng 1 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng theo chương trình này của GAVI.
Giám đốc điều hành GAVI Sania Nishtar cho biết tổ chức này đặt mục tiêu cung cấp vaccine nhanh hơn và nhiều hơn nữa cho nhóm quốc gia trên, trong đó có việc mở rộng triển khai vaccine phòng bệnh sốt rét, bắt đầu ở Cameroon trong năm nay, đồng thời nối lại kịp thời các chương trình tiêm chủng định kỳ như tiêm phòng sởi vốn bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Bà Nishtar nhấn mạnh GAVI muốn tiếp cận được nhiều trẻ em nhất giúp các em chống lại được nhiều bệnh tật nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Bà cho biết số tiền ước tính nói trên có thể chưa phải là con số chính xác, đồng thời cho rằng đây là thời điểm rất thách thức đối với sức khỏe toàn cầu khi ngân sách viện trợ phải phân bổ rộng rãi do nhu cầu gia tăng vì các cuộc xung đột đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bà Nishtar hy vọng GAVI có thể huy động được số tiền cần thiết.
GAVI cũng có kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động của liên minh trong những năm tới như thiết lập kho dự trữ vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
GAVI cũng có thể bổ sung vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết vào chương trình của tổ chức này khi tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến nhiều quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Liên minh cũng dự kiến thành lập một quỹ ứng phó đại dịch trị giá 500 triệu USD để hành động nhanh chóng trước các đợt bùng phát dịch bệnh lớn./.