Gây án xong tự sát: Bị hại có được bồi thường?
Theo chuyên gia, trường hợp hung thủ gây án xong tự sát, phía bị hại vẫn có thể nhận được bồi thường.
Như PLO đã đưa tin, ngày 13-7-2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đình nã đối với bị can Trần Văn Thông (56 tuổi) trong vụ án giết người xảy ra tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy vì người này đã chết do tự sát.
Hay vào cuối tháng 12-2024, NHA (33 tuổi, quê Vĩnh Long) được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ tại một nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. NHA được cơ quan chức năng xác định là nghi phạm đã sát hại chị DTNH (19 tuổi, em vợ) tại một phòng trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM.
![Từ những vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc việc nghi can gây án xong tự sát vậy phía bị hại có được bồi thường không?](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51455312/394c295c1f12f64caf03.jpg)
Từ những vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc việc nghi can gây án xong tự sát vậy phía bị hại có được bồi thường không?
Giải đáp vấn đề này, Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, nếu hung thủ gây án tự sát trong giai đoạn khởi tố vụ án, căn cứ Khoản 7 Điều 157 BLTTHS thì cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều nghi can thì những người còn lại vẫn sẽ khởi tố theo quy định.
Trường hợp hung thủ chết trong giai đoạn điều tra, theo điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, do hung thủ đã chết nên các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không khởi tố vụ án hoặc đình chỉ điều tra (nếu đã khởi tố). Khi đó, nhiệm bồi thường thiệt hại được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự (BLDS).
Theo Khoản 1 Điều 584 BLDS, người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu người có hành vi phạm tội chết thì những người được hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu người có hành vi phạm tội có để lại tài sản.
Điều 615 BLDS quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, mặc dù người gây án đã chết nhưng nếu họ có tài sản để lại thì tài sản đó vẫn được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Khi đó, những người hưởng thừa kế của người gây án phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp người gây án đã chết mà không có tài sản để lại thì không ai có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại.
Cạnh đó, Điều 591 BLDS cũng quy định, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai tang; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định…
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc người bị thiệt hại trực tiếp nuôi dưỡng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/gay-an-xong-tu-sat-bi-hai-co-duoc-boi-thuong-post833629.html