Gây dựng và phát triển Câu lạc bộ Võ cổ truyền xã Đại Ân 2

Được thành lập từ năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) Võ cổ truyền xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã đóng góp đáng kể vào bảng thành tích chung cho thể thao huyện nhà nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung tại giải vô địch tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giải trẻ toàn quốc.

Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Công Đẳng - Chủ nhiệm CLB Võ cổ truyền xã Đại Ân 2 và cũng là một giáo viên nhiệt tình mở lớp dạy võ cho đoàn viên, thanh niên và các em học sinh nghèo chia sẻ: “Trước khi tham gia đồng diễn, biểu diễn đối luyện tại các sự kiện thể thao xã hoặc cấp huyện, hàng đêm, chúng tôi đều cho các em tập luyện thường xuyên với mong muốn trình diễn phục vụ thật tốt”.

Các võ sinh của CLB Võ cổ truyền xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đồng diễn võ thuật tại đại hội TDTT cấp xã. Ảnh: PON LƯ

Các võ sinh của CLB Võ cổ truyền xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đồng diễn võ thuật tại đại hội TDTT cấp xã. Ảnh: PON LƯ

Cũng như các CLB thể thao khác trong huyện Trần Đề, CLB Võ cổ truyền xã Đại Ân 2 đã và đang sinh hoạt đều đặn, không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn giúp các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe, tạo cơ hội cho các em đi tham gia các giải đấu trong và ngoài tỉnh. Em Ong Vĩnh Thái - một trong những vận động viên (VĐV) trụ cột của CLB từng giành nhiều huy chương tại các giải vô địch võ cổ truyền tỉnh, khu vực và giải trẻ toàn quốc bộc bạch: “Năm lớp 6, em đã đến với môn võ cổ truyền, chủ yếu là muốn rèn luyện thân thể, học tập tốt và tự vệ bản thân. Không ngờ tập được 3 năm, em được thầy chọn vào đội tuyển tham dự giải vô địch tỉnh. Ra đấu trường đầu tiên, thầy cho em tham gia thi đấu nội dung bài quyền đơn. Năm đó, em góp được 1 giải ba cho đơn vị huyện Trần Đề. Dù vậy, em cảm thấy vui mừng và càng thích thú hơn khi lần đầu tiên góp được thành tích cho địa phương. Qua nhiều lần tham dự giải, những kỷ niệm đáng nhớ nhất là tại Giải võ cổ truyền Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VIII năm 2018 được tổ chức tại huyện Thạnh Trị, em đã đóng góp được 5 huy chương: 1 huy chương vàng đối kháng, 1 huy chương bạc đơn luyện và 3 huy chương đồng đồng đội; 1 huy chương đồng giải trẻ toàn quốc tại tỉnh Hậu Giang. Tính đến nay, bộ sưu tập của em đã được hơn 10 tấm huy chương các loại. Hiện em đang tập luyện mỗi đêm để chuẩn bị tham dự giải Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX sắp tới với mục tiêu sẽ đạt kết quả tốt nhất để góp phần vào thành tích chung cho đoàn thể thao huyện nhà Trần Đề”.

Trong những năm qua, ngoài Ong Vĩnh Thái còn có các VĐV như: Lâm Vĩnh Thảo, Trương Thanh Tâm, Huỳnh Thanh Nhi... cũng đã đóng góp những thành tích đáng kể cho CLB, đoàn thể thao huyện Trần Đề. Khi hỏi về cơ duyên nào gây dựng phong trào tập luyện võ cổ truyền ở xã Đại Ân 2, HLV Nguyễn Công Đẳng tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, khi bản thân về đây công tác, địa phương gặp nhiều khó khăn, trong đó, về phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT dành cho các em ở vùng sâu, vùng xa như tại ấp Tú Điềm còn nhiều hạn chế, nhưng bà con nơi đây sống rất tình cảm, chia sẻ từng xô nước ngọt, rau, cá, có hôm thì chia một ít gạo... Chính vì thế, đã thôi thúc tôi cần phải hành động một việc gì đó để trả ơn bà con quê hương xã Đại Ân 2. Từ đó, với sở trường của mình là môn võ thuật, tôi đã mạnh dạn thành lập CLB võ cổ truyền và bắt đầu mở lớp dạy võ, nhằm giúp cho các em có sân chơi lành mạnh, bổ ích. Năm đó, thu hút hơn 100 võ sinh đến tham gia tập luyện mỗi đêm. Lớp võ này, ngoài rèn luyện thân thể khỏe mạnh để phục vụ quê hương đất nước, trong quá trình tập luyện, tôi còn truyền đạt lại những tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, giáo dục ý thức, đạo đức cho các em. Điều hạnh phúc lớn nhất là khi thấy các học trò của mình ngày càng trưởng thành và cùng nhau xây dựng CLB không ngừng phát triển. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, số lượng võ sinh đến rèn luyện mỗi đêm trên 40 em và những em nằm trong đội tuyển đang tăng cường tập luyện để chuẩn bị tham gia Giải võ cổ truyền đại hội TDTT sắp tới”.

So với những môn thể thao khác, võ cổ truyền mang nhiều nét đặc trưng riêng của Việt Nam. Việc giữ gìn, phát triển võ cổ truyền là để giữ hồn quê hương và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Trần Đề Nguyễn Thanh Dũng cho rằng, đây là một môn thể thao thế mạnh địa phương và cần phát huy, để tạo nguồn VĐV tiềm năng mới, địa phương mong muốn đưa võ cổ truyền trở thành môn thể thao phát triển ở các trường học trong thời gian tới”.

PON LƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/gay-dung-va-phat-trien-cau-lac-bo-vo-co-truyen-xa-dai-an-2-56769.html